Đó là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 26/3 về hoạt động của ngành ngân hàng và định hướng triển khai nhiệm vụ trong những năm tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, Ngân hàng Nhà nước phải có những giải pháp thu hút được tiền nhàn rỗi trong dân vào ngân hàng; tiếp tục cơ cấu lại tín dụng giữa các lĩnh vực, các ngành kinh tế cho phù hợp, thận trọng trong việc cho vay vốn đối với các lĩnh vực tiền ẩn nhiều rủi ro; phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng, hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, đem lại lợi ích cho người dân và cho cả ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và có giải pháp phù hợp ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen…
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp tốt với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nên CPI trong 3 năm qua đều dưới mức 4%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tế, mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định, có xu hướng giảm cả về huy động và cho vay. Cơ cấu tín dụng đã có sự thay đổi, tập trung vào khu vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.
Song song với đó, ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, nhờ đó tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống, năng lực tài chính và quy mô của các của các tổ chức tín dụng tăng lên, chất lượng tín dụng được cải thiện, tăng bước nâng cao năng lực quản lý của các tổ chức tín dụng, xử lý ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân yếu kém đạt nhiều kết quả tốt. Mặt khác, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán trong bối cảnh thanh toán điện tử và thương mại điện tử bùng nổ mạnh mẽ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Báo cáo hoạt động ngân hàng năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu góp phần tăng dự trữ ngoại hối. Nhờ đó, ngành ngân hàng đã đạt được kết quả toàn diện trên các mặt hoạt động, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là trong ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lạm phát bình quân những năm qua luôn duy trì ở mức thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (khoảng 4%), lạm lạm phát cơ bản cũng được duy trì ở tương đối ổn định ở mức thấp, tạo điều kiện cho Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ nhà nước quản lý. Mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định trong bối cảnh lãi suất thế giới có xu hướng gia tăng và nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá mạnh, tác động tiêu cực đối với kinh tế vĩ mô các nước.
Cùng với đó, tín dụng được kiểm soát chặt chẽ và phân bổ hợp lý, chất lượng được cải thiện rõ nét, hỗ trợ ngày càng hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế. Tín dụng đã tập trung chủ yếu vào các ngành, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, đầu tư tín dụng giảm đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng sản xuất và tiêu dùng và triển khai nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Nhận diện những khó khăn, thách thức đối với hoạt động ngân hàng năm 2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh kiến nghị, đề xuất với Quốc hội các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen; thí điểm áp dụng các mô hình, dịch vụ mới dựa trên ứng dụng của khoa học - công nghệ khi khuôn khổ pháp lý chưa có quy định; tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước; phối hợp giữa các bộ ngành trong việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu…