Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm thực hiện mục tiêu kép "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19" và "phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong trạng thái bình thường mới".
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn xã hội bị cách ly, giãn cách trong một thời gian các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa các trường, giao thông vận tải và các dịch vụ logistics bị gián đoạn, giao thương trong nước và quốc tế đình trệ, người bệnh không thể tiếp cận các dịch vụ y tế ... thì chuyển đổi số trở thành cứu cánh cho Chính phủ, doanh nghiệp, các ngành, địa phương và toàn thể người dân trong cả nước để tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và dân sinh.
Diễn đàn có 2 phiên chính gồm: Đại dịch COVID-19: Cơ hội và thách thức chuyển đổi số của các nước trên thế giới và Việt Nam; chuyển đổi số trong một số ngành, doanh nghiệp chủ chốt ở Việt Nam dưới tác động của dịch COVID-19.
Đánh giá về phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua đẩy nhanh chuyển đổi số ở Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, tận dụng phục hồi nền kinh tế để tái cấu trúc theo hướng xanh hóa nền kinh tế là một thời cơ lớn. Cuộc khủng hoảng COVID-19 là cơ hội để chuyển đổi nhanh sang nền kinh tế xanh mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã xác định.
Chính phủ mới đây đã phê duyệt "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050", trong đó xác định nội dung quan trọng là giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Bàn về xây dựng thương hiệu số bằng các công cụ điện tử, nghiên cứu trường hợp của các doanh nghiệp Việt Nam, Tiến sỹ Đặng Thái Bình, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho hay, xây dựng và phát triển thương hiệu số được coi là kim chỉ nam để tiến đến mục tiêu tăng trưởng tối ưu nhất cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức rõ vai trò của thương hiệu số và dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề này, các công cụ được sử dụng trong xây dựng thương hiệu số cũng ngày càng đa dạng và chiếm phần ngân sách ngày càng lớn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng các công cụ xúc tiến điện tử để xây dựng thương hiệu số, tỷ lệ doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng các công cụ xúc tiến điện tử năm 2018 là 15% và tăng lên 20% năm 2020 và tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên nhận thức của khách hàng về thương hiệu các doanh nghiệp này vẫn ở mức thấp.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về kinh nghiệm chuyển đổi số của một số địa phương như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai trong thời kỳ đại dịch COVID-19, từ đó đề xuất ý kiến để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thành công trong bối cảnh hiện nay.