Ba trụ cột xây dựng chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Chiều 14/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của Bộ và quyết định thành lập Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo Chuyển đổi số; Phiên họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ.

Chú thích ảnh
 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Bộ đã đưa chuyển đổi số vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”. Nhiệm vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp được xây dựng trên 3 trụ cột: bộ số, kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số, nông dân số.

Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương.

Đại dịch COVID-19 là cú hích mạnh mẽ cho chuyển số trong nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến, thị trường nông sản diễn ra rất nhanh trên phạm vi toàn quốc, động chạm cùng lúc tới các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, nông dân. Nhưng cách triển khai, tiếp cận rời rạc đã nảy sinh các vấn đề.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp cần một tầm nhìn xa, phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số. Mọi chính sách đều hướng đến nông dân, nông thôn doanh nghiệp, hợp tác xã và mọi nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, người đứng đầu phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm phù hợp, bám sát thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh của nền nông nghiệp Việt Nam để đạt hiệu quả cao, sức lan tỏa rộng và mang lại lợi ích cho nhiều nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Chuyển đổi số tác động đến tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, người dân, doanh nghiệp nên phải bắt tay thực hiện ngay để tạo ra hệ thống tổng thể, liên thông từ Bộ đến cơ sở, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách, cơ chế quản lý, điều hành; xây dựng chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch, chiến lược lồng ghép nội dung về chuyển đổi số nông nghiệp; tạo điều kiện thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng số hóa, xây dựng nông thôn mới thông minh trên cả nước.

Ban Chỉ đạo chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ xây dựng các hệ thống dữ liệu của ngành, thực hiện số hóa trong từng lĩnh vực chuyên ngành. Các lĩnh vực ứng dụng công nghệ số trong dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác; xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi người nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”.

Chia sẻ về lĩnh vực trồng trọt, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết việc nắm bắt về tình hình trồng trọt, sử dụng đất đai hiện còn khó khăn. Nếu được số hóa thì việc nắm bắt  thông tin trên sẽ kịp thời, chính xác.

Về quản lý và cấp mã số vùng trồng sẽ xây dựng hướng dẫn cấp, quản lý mã số vùng trồng; số hóa quy trình cấp mã số vùng trồng. Việc này sẽ được giao địa phương nên địa phương cần chủ động. Ông Nguyễn Như Cường kiến nghị cần xây dựng một phần mềm chung tránh mỗi địa phương làm một kiểu. Bên cạnh đó, địa phương cần có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn tạo động lực cho người dân tham gia.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt nhằm kết nối cơ sở dữ liệu về sản xuất, thị trường với vùng trồng. Năm 2022, ngành trồng trọt đặt mục tiêu xây dựng giải pháp số hóa quy trình cấp, quản lý mã số vùng trồng, bao gồm: thiết kế chi tiết, xây dựng cơ sở dữ liệu, đề xuất hạ tầng, xây dựng phần mềm; triển khai, đánh giá; đào tạo, tập huấn, chuyển giao.

Các năm tiếp theo sẽ ứng dụng AI, IoT, Bigdata… tự động hóa quy trình, liên thông với các hệ thống khác của Bộ; tự động phân tích, cảnh báo, dự báo về sản xuất, thị trường…, ông Nguyễn Như Cường cho biết.

Chú thích ảnh
Các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Cũng tại Lễ công bố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ngày 19/8 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Ngày Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số và hành động đồng bộ ở các cấp với sự tham gia của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành thực hiện thắng lợi chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Bích Hồng (TTXVN)
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Thái Nguyên
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Thái Nguyên

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản, trở thành một trong những ngành đi đầu ở tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN