Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Việt Đức/TTXVN
Nước Pháp sẽ tổ chức sự kiện kỷ niệm Quốc khánh vào 14/7 tới. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm của Đại sứ quán Pháp nhằm gắn kết người Pháp và người Việt Nam. Đại sứ có thể chia sẻ thêm về chương trình kỷ niệm năm 2025? Chủ đề hay điểm nhấn đặc biệt của sự kiện năm nay là gì?
Hơn bao giờ hết, ngày 14/7 năm nay được đặt dưới dấu ấn của tình hữu nghị, hợp tác và quan hệ đối tác giữa Pháp và Việt Nam để hai nước chúng ta cùng nhau đối mặt với mọi thách thức. Ngày này là dịp để tất cả chúng ta cùng hội ngộ, kỷ niệm ba giá trị cốt lõi của nước Pháp: Tự do, Bình đẳng và Bác ái.
Ngày 14/7 là dịp để tưởng niệm sự kiện chiếm ngục Bastille năm 1789, đánh dấu sự chấm dứt chế độ cũ ở Pháp. Đồng thời, chúng tôi cũng kỷ niệm ngày 14/7/1790 - "Lễ hội Liên bang", tượng trưng cho sự đoàn kết của người dân Pháp dưới chế độ cộng hòa dân chủ mới.
Tại Hà Nội, chúng tôi kỷ niệm ngày lễ này với một ý nghĩa rất đặc biệt, đó là tôn vinh tình hữu nghị. Năm nay, sự kiện Quốc khánh Pháp sẽ trở lại với quy mô như trước đại dịch COVID-19. Chúng tôi vui mừng được đón tiếp không chỉ những vị khách quý người Việt Nam, từ giới ngoại giao, các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp lớn, mà còn cả cộng đồng người Pháp tại Hà Nội. Một bất ngờ thú vị là sẽ có một nữ ca sĩ Việt Nam trình diễn những bản nhạc Pháp bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp đã có nhiều bước tiến nổi bật trong năm 2024 và nửa đầu năm 2025, đặc biệt với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Đại sứ đánh giá ra sao về động lực hợp tác hiện nay và những kết quả nổi bật nhất trong quan hệ song phương?
Tôi cho rằng có ba từ khóa có thể mô tả chính xác động lực đặc biệt và tích cực trong quan hệ Pháp-Việt Nam hiện nay, đó là: Tình hữu nghị – Quan hệ đối tác – Niềm tin.
Trước hết về tình hữu nghị, đây là một trong những điểm đặc trưng sâu sắc nhất của quan hệ Pháp-Việt, được hình thành từ một lịch sử dài đầy thăng trầm. Cả hai quốc gia đều trân trọng sự đặc biệt này, thể hiện qua việc cùng nhau nhìn lại quá khứ một cách bình tĩnh và thiện chí.
Năm nay, trong chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron tới Việt Nam, Tổng thống Emmanuel Macron và Tổng Bí thư Tô Lâm đã cùng nhau trồng cây hữu nghị trong khuôn viên Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, gần Quảng trường Ba Đình – nơi cách đây 80 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Đây là một biểu tượng mạnh mẽ cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Về Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đây là kết quả quan trọng của chuyến thăm Paris vào tháng 10 năm ngoái của Tổng Bí thư Tô Lâm. Trong suốt 8 tháng sau đó, hai nước đã nỗ lực làm việc để đến thời điểm Tổng thống Emmanuel Macron tới thăm Việt Nam, một loạt thỏa thuận lớn đã được ký kết, khoảng 30 thỏa thuận bao phủ toàn bộ các lĩnh vực của hợp tác song phương. Trong đó, nổi bật là các thỏa thuận về quốc phòng (với một ý định thư tăng cường hợp tác giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng), phát triển bền vững (hợp tác về chuyển đổi năng lượng, phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường sắt) và đổi mới sáng tạo (trong đó có cả y tế và một thỏa thuận liên chính phủ về nghiên cứu khoa học). Đặc biệt, thỏa thuận giữa Cơ quan Phát triển Pháp AFD và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) đầu tiên được ký kết tại Việt Nam, mở đường cho nhiều thỏa thuận khác hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng và cam kết trung hòa carbon vào năm 2050.
Về từ khóa "Niềm tin", không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Macron bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á bằng điểm đến là Việt Nam. Điều đó thể hiện sự coi trọng đặc biệt mà Tổng thống dành cho Việt Nam, cũng như mong muốn được chia sẻ quan điểm về tình hình quốc tế, thúc đẩy một mối quan hệ hợp tác dựa trên niềm tin. Điều này được thể hiện qua tinh thần hợp tác chặt chẽ trong các cuộc trao đổi mà Tổng thống với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, ở đó hai bên đã cùng xác định cách thức để Pháp và Việt Nam đóng góp tốt hơn cho hòa bình, ổn định quốc tế, bảo vệ luật pháp quốc tế, và cùng nhau đóng góp cho trật tự toàn cầu.
Việt Nam vừa khởi động một cuộc cải cách hành chính quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đại sứ đánh giá như thế nào về tiến trình cải cách này và những tác động tới việc tăng cường hợp tác Việt Nam-Pháp?
Cũng như nhiều nhà quan sát quốc tế khác, chúng tôi đều rất ấn tượng với quy mô của cuộc cải cách mà Việt Nam đang triển khai, với tốc độ thực hiện nhanh chóng và những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận, cả ở cấp trung ương lẫn địa phương. Tôi đã thấy rõ khối lượng công việc khổng lồ mà các cán bộ địa phương đang gánh vác nhưng với quyết tâm cao trong việc hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.
Chúng tôi hiểu rằng mục tiêu cải cách mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề ra là nhằm tạo ra một bộ máy hành chính hiệu quả hơn, với việc đẩy nhanh quá trình ra quyết định. Chúng tôi, từ các đại sứ quán, đối tác, các cơ quan hợp tác phát triển, đến các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam, rất kỳ vọng sẽ sớm thấy những kết quả cụ thể từ cuộc cải cách này. Tôi tin chắc rằng, cải cách hành chính thành công sẽ tạo đà mạnh mẽ cho việc mở rộng hợp tác song phương, trong đó có hợp tác giữa Pháp và Việt Nam.
Về phía Pháp, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình này, nhất là thông qua các chương trình hợp tác hành chính mà hai nước đã xây dựng nhiều năm qua, từ cấp trung ương đến cấp địa phương. Chúng tôi mong tiếp tục chào đón thêm nhiều cán bộ, công chức và lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang Pháp tham gia các chương trình đào tạo tại Viện Hành chính Công quốc gia Pháp (INSP), hoặc tại các trường hành chính danh tiếng khác của Pháp. Mục tiêu của chúng tôi là tạo điều kiện cho trao đổi hai chiều, không chỉ về kỹ năng chuyên môn mà còn về kinh nghiệm quản trị nhà nước hiện đại – điều mà Pháp cũng đã trải qua trong quá trình cải cách hành chính công của mình.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu hiện nay, theo Đại sứ, đâu là những thách thức và đòn bẩy ưu tiên để tăng cường quan hệ đối tác kinh tế giữa Pháp và Việt Nam?
Có một lợi thế lớn mà Việt Nam đang nắm giữ, đó là việc Việt Nam đã ký kết và thực thi Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) trong vài năm qua. Trong ASEAN, chỉ có 2 nước có hiệp định tự do thương mại với EU. EVFTA là một thỏa thuận hết sức quan trọng, công bằng, cân bằng và mang lại tính dự đoán cao cho tương lai của quan hệ thương mại song phương.
Chúng tôi hy vọng rằng hiệp định này không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các thỏa thuận thương mại khác được ký trong những điều kiện thiếu thuận lợi. Và quan trọng nhất, cả hai bên cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết trong EVFTA, điều mà cho đến nay vẫn đang được bảo đảm. Tuy nhiên, cũng cần cảnh giác với các rào cản phi thuế quan có thể được áp dụng thiếu minh bạch, làm ảnh hưởng tới giá trị thực của hiệp định này.
Năm 2024 dự kiến chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng gần 13%, đạt hơn 5,4 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương. Theo Đại sứ, đâu là động lực chính của kết quả này? Và trong tương lai, những lĩnh vực nào sẽ trở thành điểm mạnh của hợp tác kinh tế giữa hai nước?
Chúng tôi rất vui mừng với sự tăng trưởng này, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Xuất khẩu của chúng tôi sang Việt Nam vẫn tăng, tương tự như xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp. Chúng tôi tự tin vào tương lai về xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực lớn:
Ở lĩnh vực hàng không, năm 2025 đã đánh dấu các hợp đồng lớn với Airbus, bao gồm 20 máy bay A330neo cho Vietjet nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp, 100 máy bay A320 và A321 được đặt hàng tại triển lãm hàng không Le Bourget bởi Vietjet. Điều này sẽ diễn ra trong 10-15 năm tới và đóng góp đáng kể vào xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam hàng năm.
Trong lĩnh vực y tế, đây là lĩnh vực mà trong một số năm còn là số một trong các mặt hàng xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam và đang có sự phát triển rất quan trọng theo từng năm. Ngành y tế Pháp rất vững mạnh và được công nhận ở tầm quốc tế. Nhu cầu của người dân Việt Nam cũng ngày càng tăng, Việt Nam không chỉ là một thị trường mà còn là một đối tác trong khuôn khổ quan hệ chiến lược toàn diện. Một thỏa thuận rất quan trọng đã được ký giữa Sanofi và Hệ thống tiêm chủng hàng đầu Việt Nam VNVC để xây dựng một nhà máy sản xuất vaccine lớn gần Thành phố Hồ Chí Minh, giúp Việt Nam phát triển sản xuất vaccine được nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của Sanofi.
Ở lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, trao đổi trong lĩnh vực này cũng đang tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu mới của dân số Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trung lưu với thị hiếu thay đổi. Các sản phẩm Pháp, từ nông sản, thực phẩm chế biến đến rượu vang, đều đáp ứng tốt những mong đợi của công chúng Việt Nam. Vì tất cả những lý do này, chúng tôi tin rằng thương mại song phương của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!