Theo báo cáo tổng hợp về tình hình Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày, công tác tổ chức cho nhân dân vui Xuân, đón Tết Kỷ Hợi 2019 đã diễn ra trong không khí vui tươi, đầm ấm, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm.
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tấm lòng nhân ái đã chung tay chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, người bệnh, người gặp khó khăn vui Xuân, đón Tết.
Thị trường hàng hóa phong phú, dồi dào, chất lượng bảo đảm. Giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Công tác thông tin, tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch diễn ra sôi nổi, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Lượng khách du lịch quốc tế và trong nước tăng cao, đặc biệt Việt Nam lọt vào top 12 địa điểm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 thú vị nhất hành tinh do Đài truyền hình Mỹ CNN bình chọn.
Các cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân 24/24; đã khám, cấp cứu cho 319.438 trường hợp. Trên cả nước không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm; không xảy ra bệnh dịch nguy hiểm, không phát sinh ổ dịch. Không xảy ra sự cố, tai nạn lao động nghiêm trọng.
Từ ngày mùng 2 Tết, nông dân đã xuống đồng sản xuất; ngư dân đã tổ chức lễ cầu ngư khai thác hải sản. Miền Bắc đã gieo cấy được khoảng 420 nghìn ha lúa Đông Xuân, phấn đấu gieo cấy xong trước ngày 28/2. Miền Nam đã gieo sạ đạt 100% kế hoạch, tăng 32 nghìn ha so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 9 ngày nghỉ, toàn quốc xảy ra 276 vụ tai nạn giao thông, làm chết 183 người, bị thương 241 người. Trung bình một ngày xảy ra 30,6 vụ, làm chết 20 người, bị thương 26 người; giảm 1,6 % số vụ, 27,5% số người chết, 4,6% số người bị thương so với dịp Tết 2018. Nếu tính 7 ngày nghỉ Tết 2019 so với 7 ngày nghỉ Tết 2018, giảm 46 vụ, giảm 60 người chết và 31 người bị thương.
Tai nạn giao thông tuy giảm cả ba tiêu chí so với Tết 2018 nhưng tình trạng vi pham quy định an toàn giao thông diễn ra còn nhiều, còn xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Vẫn còn 13 địa phương xảy ra tình trạng đốt pháo nổ.
Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành trong các lĩnh vực như công thương, y tế, giao thông, nông nghiệp, ngân hàng, văn hóa, du lịch, an ninh, quốc phòng, đối ngoại….
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các cấp các ngành đã làm nhiều việc, hết sức mình để bảo đảm cho nhân dân đón Tết an toàn, tiết kiệm, vui tươi, đầm ấm, đủ đầy. Không khí ấm no, hạnh phúc, tràn đầy niềm tin trong nhân dân.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong dịp Tết, đặc biệt là các cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, các bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế ngày đêm trực cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh; cán bộ, công nhân, người lao động trực làm việc trong dịp Tết.
Tuy vậy, theo Thủ tướng, có lúc, có nơi, có mặt chưa làm tốt như còn xảy ra tình trạng đốt pháo nổ, tai nạn giao thông giảm nhưng còn ở mức cao…, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Về nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai sau Tết, Thủ tướng nêu rõ, năm 2019 được xác định là năm bứt phá trong thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ.
Trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước rất nặng nề. “Chúng ta không được chủ quan với các thành tích đạt được mà cần nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động hơn nữa ngay sau Tết, phấn đấu thực hiện kế hoạch năm 2019 đạt kết quả tốt hơn”.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới phương thức, cách làm, nâng cao trách nhiệm, nhất là các ngành liên quan trực tiếp đến nhân dân như y tế, giáo dục, năng lượng, giao thông vận tải, công an… để góp phần nâng cao uy tín của Chính phủ, tránh bệnh quan liêu, xa dân, gây ách tắc cho sự phát triển của đất nước, đồng thời gây mất niềm tin trong nhân dân.
Yêu cầu quán triệt phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh, cần thực hiện nghiệm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các cơ quan hành chính không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thì giờ, hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.