Thủ tướng: Cán bộ, công chức bỏ làm đi lễ hội sẽ bị xử lý nghiêm

Sáng 3/2, đúng vào dịp kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2017), Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 1 - Phiên họp Chính phủ đầu tiên của năm mới Đinh Dậu 2017 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành bắt tay ngay vào công việc sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoạt động bình thường tại mọi miền Tổ quốc, tranh thủ điều kiện thuận lợi của thời tiết ngay tại Quý I này, không còn tinh thần “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh:Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chính phủ khóa XIV đã hoạt động gần 10 tháng, bước đầu tạo được niềm tin với nhân dân, với hệ thống chính trị. Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta quyết không để mất niềm tin đó trước nhân dân, trước hệ thống chính trị”.

Do đó, điều trước tiên, Thủ tướng nhấn mạnh, phải nhân niềm tin đó lên hơn nữa bằng các hành động cụ thể bằng việc Chính phủ sẽ tăng cường quản lý kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Trung ương, Quốc hội đưa ra cho năm 2017.

"Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo liêm chính, hành động mạnh mẽ phục vụ người dân và doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp, sơ kết 1 năm việc thực hiện Nghị quyết này đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta theo Nghị quyết 19.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện an toàn thực phẩm; phát triển du lịch với tinh thần coi đây là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước. Theo Thủ tướng, việc Chính phủ ban hành Nghị định triển khai cấp visa điện tử, áp dụng từ ngày 1/2 vừa qua là sự đổi mới cần thiết tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Về những công việc cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục phát triển nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu sâu sắc ở nước ta bằng nông nghiệp thông minh, công nghệ cao. Song song với đó là đảm bảo môi trường sống cho người dân, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế bằng bất cứ giá nào; thực hiện chủ trương tăng trưởng bao trùm của đất nước.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đổi mới mạnh mẽ hơn trong chỉ đạo điều hành trên cơ sở bám sát tình hình quốc tế như chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở một số nước; đặc biệt cần chú ý đến những khó khăn, trở ngại từ diễn biến thiên tai khó lường trong nước để có biện pháp phù hợp, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống lâu dài cho nhân dân.

Cấp hơn 14.000 tấn gạo trong dịp Tết

Theo Báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tổng hợp tình hình Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 cho thấy, hàng hóa phục vụ Tết đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, giá cả khá ổn định, chất lượng bảo đảm, không xảy ra sốt giá, hàng hóa Việt Nam chiếm thị phần cao.

Công tác chống buôn lậu được triển khai mạnh mẽ trước dịp Tết nên hàng giả, hàng nhái giảm so với các năm trước. Trong dịp Tết, các địa phương đã tổ chức chuyển quà của Chủ tịch nước với tổng kinh phí hơn 431 tỷ đồng đến hơn 2 triệu người có công; chuyển cấp phát 14.114 tấn gạo cho hơn 297 ngàn hộ theo quyết định của Thủ tướng.

Đồng thời, thực hiện kế hoạch chăm lo Tết cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội, các địa phương đã trích ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng kịp thời trợ giúp trong dịp Tết; nhiều tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân đã chia sẻ, giúp đỡ với tổng số tiền ước tính gần 400 tỷ đồng.

Trong dịp nghỉ Tết, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì, nhất là trên các công trình trọng điểm, các đơn vị sản xuất thuộc lĩnh vực khai khoáng, luyện kim, năng lượng. Từ ngày mùng 3 Tết, nhân dân nhiều địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi đã tổ chức sản xuất, canh tác theo thời vụ.

Về tình hình trật tự an toàn giao thông, Chính phủ đánh giá mặc dù không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng như một số năm song, tai nạn giao thông xảy ra còn nhiều, trong 7 ngày nghỉ Tết, toàn quốc xảy ra 368 vụ; làm chết 203 người, bị thương 417 người; tăng 84 vụ, 21 người chết, 142 người bị thương so với Tết Bính thân 2016.

“Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20 thì mới thành công”


Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị đã thực hiện tốt việc chăm lo Tết cho người dân an bình, lành mạnh, nhất là các gia đình chính sách, người nghèo và bước đầu cho công nhân trên địa bàn cả nước.

Thủ tướng nhìn nhận, hàng hóa phục vụ Tết đầy đủ, giá cả không tăng; an ninh, trật tự cơ bản đảm bảo tốt; các chương trình thông tin văn hóa phong phú phục vụ tốt nhu cầu giải trí cho nhân dân. Chế độ trực Tết, báo cáo của các cơ quan hành chính, Nhà nước, nhất là quốc phòng, an ninh được thực hiện nghiêm túc.

Song, Thủ tướng đã bày tỏ lo ngại về tình trạng tai nạn giao thông, đánh nhau gia tăng trong dịp Tết vừa qua; một số vụ cháy nổ lớn vẫn xảy ra gây thiệt hại về tài sản cho người dân.

Nhận xét, tình trạng các địa phương về Hà Nội lễ Tết các bộ, ngành giảm trên 70 - 80%; Thủ tướng cho rằng đây là sự thay đổi rất lớn về tư duy, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, rất đáng hoan nghênh.


Đề cập đến nhiệm vụ nặng nề của năm 2017, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, nhất là ngành văn hóa, thể thao, du lịch tập trung đảm bảo tốt các vấn đề an ninh, trật tự mùa lễ hội đầu Xuân và thực hiện nghiêm quy định về chế độ, nội quy làm việc.

Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh ngay những bất cập liên quan đến lễ hội gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, các lễ hội phản cảm; nghiêm cấm việc cán bộ, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội.

Bất cứ cán bộ công chức nào trong giờ hành chính mà đi lễ hội, bất cứ cơ quan nào sử dụng xe công đi lễ hội đều sẽ bị xử lý nghiêm, Thủ tướng khẳng định và đề nghị các cơ quan báo chí tham gia giám sát vấn đề này.

Đặc biệt, tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là một số mô hình sản xuất trong công, nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, không để tình trạng năm nay vẫn tiếp tục cổ phần hóa tỷ lệ thấp. Các dự án hạ tầng cần phải triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo.

Với tinh thần “chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20 thì mới thành công”, Thủ tướng yêu cầu tổ chức sản xuất nông nghiệp nhất là vụ Đông Xuân đảm bảo thành công; thúc đẩy hơn nữa du lịch, dịch vụ để nâng cao số lượng du khách trong năm nay cùng với việc triển khai visa điện tử.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan chuẩn bị tốt 4 hội nghị quy mô lớn trong thời gian sắp tới, trong đó, đáng chú ý có hội nghị doanh nghiệp toàn quốc lần thứ 2 nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy khởi nghiệp…

Thủ tướng mong muốn, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động triển khai kế hoạch kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 01/CP một cách kịp thời nhất để có kết quả tốt nhất ngay trong Quý I/2017.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại, dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Quang Vũ (TTXVN)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016 đã nêu rõ nhiều nội dung quan trọng cần được triển khai trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN