Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Trình Quốc hội tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công trình giao thông
Tại phiên họp Chính phủ xem xét, cho ý kiến vào: Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về trình tự, thủ tục trình các luật; sự cần thiết ban hành luật; nguyên tắc, yêu cầu xây dựng luật; đặc biệt các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến đối với các chính sách của luật, trong đó có những nội dung của các luật còn có ý kiến khác nhau, hoặc các nội dung cần làm rõ, cần bổ sung...
Đối với Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu quan tâm các chính sách về Căn cứ xác định nạn nhân, giải cứu nạn nhân, sự phù hợp của luật đối với các quy định pháp luật quốc tế.
Ở Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ tập trung thảo luận thêm về quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện nhằm xử lý tình trạng trốn đóng…
Đối với Đề nghị xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ quan tâm thảo luận về chính sách liên quan đến bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; căn cứ, phương pháp tính thuế và thuế suất thuế; hoàn thiện quy định đối tượng không chịu thuế, giá tính thuế và hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt…
Đối với Đề nghị xây dựng Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu quan tâm các chính sách về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; giá tính thuế, khấu trừ thuế; thuế suất thuế giá trị gia tăng. Các thành viên Chính phủ cũng thảo luận các nội dung về đấu giá các tài sản đặc thù…trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Chính phủ cũng thảo luận sôi nổi xây dựng: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư các công trình giao thông đường bộ; Báo cáo, đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; Báo cáo, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế.
Với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư các công trình giao thông đường bộ, Chính phủ cho biết, nhiều địa phương đã có ý kiến, đề xuất với Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ, về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án PPP; về việc giao địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải; giao cho 01 địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư cả dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương...
Bộ Chính trị đã có ý kiến, do đó việc ban hành nghị quyết, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, bất cập trong đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là yêu cầu thực tiễn, cấp thiết.
Về “Báo cáo, đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trên cơ sở pháp lý quốc tế và thực tiễn”, các thành viên Chính phủ cho rằng việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tác động đến kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án hiện hữu cũng như khả năng xung đột với nguyên tắc bất hồi tố với ưu đãi đầu tư…
Do đó, Chính phủ cơ bản nhất trí việc nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Tăng cường vai trò của người đứng đầu
Sau khi nghe các thành viên Chính phủ thảo luận, Thủ tướng trực tiếp cho ý kiến đối với từng nội dung xây dựng các luật và các nghị quyết, báo cáo.
Về đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người cần cân nhắc nhiều hơn yếu tố phòng; nâng cao ý thức người dân; tăng cường hỗ trợ nạn nhân về sinh kế, công ăn, việc làm...; cân nhắc sửa đổi, bổ sung sớm.
Về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thủ tướng nêu rõ đây là một luật khó, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến quyền và lợi ích của người lao động, được cử tri và xã hội quan tâm; cần lưu ý yếu tố hài hòa lợi ích, tăng cường bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội; có phương án phù hợp đối với quy định rút bảo hiểm xã hội một lần, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.
Về Đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), việc xây dựng Luật cần bảo đảm điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội theo hướng bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; bảo đảm huy động hợp lý nguồn lực cho ngân sách Nhà nước. Các chính sách đưa ra cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính hợp lý, khả thi và hiệu quả.
Đối với đề nghị xây dựng Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu sửa đổi theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư. Lưu ý quy định về đối tượng không chịu thuế, giá tính thuế, khấu trừ thuế và hoàn thuế cho phù hợp.
Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền; minh bạch hóa và chống hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm.
Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư các công trình giao thông đường bộ, Thủ tướng nêu rõ đây là yêu cầu thực tiễn khách quan và rất cấp thiết, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có sự chuẩn bị kỹ trước khi trình Quốc hội.
Về báo cáo, đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế, Thủ tướng cho rằng chúng ta có cả cơ sở pháp lý quốc tế và cơ sở thực tiễn; cần thiết phải sớm đề xuất để bảo đảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và thu hút được đầu tư nước ngoài trong tình hình mới.
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, dự thảo nghị quyết theo quy định và đề nghị các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực tiếp tục quan tâm, trực tiếp chỉ đạo để hoàn thiện các dự án, Đề nghị xây dựng luật theo phân công; giao Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với cơ quan trình trong việc hoàn thiện, trình văn bản; bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu triển khai đường lối Đại hội XIII của Đảng về 3 đột phá chiến lược về hạ tầng, thể chế và đào tạo nguồn nhân lực, trong đó các đột phá về hạ tầng, xây dựng, hoàn thiện thể chế đạt được nhiều kết quả cụ thể. Chính phủ đã quyết liệt, tích cực thực hiện các nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả. Theo đó, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc về thể chế; hoàn thành gần 600 km cao tốc và khởi công nhiều dự án, đang tiếp tục triển khai nhiều dự án khác.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ được phân công tiếp tục làm việc với các địa phương để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ; rà soát để triển khai các nội dung mới trong chủ trương, đường lối của Đảng; cập nhật, nội luật hóa các cam kết quốc tế; nghiên cứu, xây dựng chính sách cho các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, sản xuất chip bán dẫn…
Thủ tướng nhấn mạnh, trong xây dựng và hoàn thiện thể chế phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân, không làm tăng thêm thủ tục hành chính, phát sinh thêm chi phí, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính.
Cùng với đó, đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách được đưa ra là hợp lý, khả thi, hiệu quả, chú trọng lấy ý kiến đối tượng tác động, chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn; tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; rà soát, bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đẩy mạnh truyền thông chính sách trước, trong quá trình xây dựng và sau khi ban hành chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội, trong hệ thống chính trị để hỗ trợ, tham khảo lẫn nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là vấn đề quan trọng, cấp bách nhưng cũng rất khó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành hết sức quan tâm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thuộc phạm vi quản lý, dành thời gian, công sức, bố trí nguồn lực, nhất là nhân lực có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, cơ sở vật chất, tài chính, chế độ, chính sách… cho công tác này, để nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng pháp luật theo quy định.