Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, 6 tháng đầu năm, công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế các bộ, ngành và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ, ngành Tư pháp đã tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp đã tập trung nguồn lực, nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ về rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được đổi mới về nội dung, hình thức. Nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được các bộ, ngành, địa phương áp dụng, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, điển hình như: thành lập các fanpage; sử dụng các tin nhắn SMS qua các mạng di động để cung cấp thông tin pháp luật; hệ thống truyền thanh cơ sở; xây dựng các trang thông tin điện tử và triển khai quét mã QR code để người dân truy cập vào video “Hướng dẫn đăng tải dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục nộp phạt qua cổng dịch vụ công quốc gia”...
Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được Bộ Tư pháp, các địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự 9 tháng đầu năm (từ ngày 1/10/2022 đến 30/6/2023), hệ thống thi hành án đã thi hành xong 382.058 việc (đạt 66,53%) và trên 70 nghìn tỷ đồng (đạt 32,45%). Trong lĩnh vực thi hành án hành chính, 6 tháng đầu năm, Tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự hơn 1.800 bản án, quyết định; số bản án có nội dung chấp nhận yêu cầu khởi kiện là 897 bản án, đã thi hành xong 216 việc.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ, ngành Tư pháp xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đáng chú ý là tập trung xây dựng bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi); rà soát, đề xuất sửa đổi các nội dung liên quan đến Luật Giám định tư pháp; phối hợp các cơ quan có liên quan trình Chính phủ ban hành một số Nghị định trong lĩnh vực quản lý.
Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án, quyết định kinh doanh thương mại giai đoạn 2023-2028"...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục, tổ chức thi hành pháp luật; đánh giá công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật ở cơ quan, đơn vị, địa phương; giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu về việc và về tiền trong công tác thi hành án dân sự, thúc đẩy thi hành án hành chính;...
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp trong cả nước.
Trong bối cảnh yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, Bộ trưởng đề nghị thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, người đứng đầu các tổ chức pháp chế, Giám đốc Sở Tư pháp và Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát kỹ các chương trình, kế hoạch công tác, tập trung nguồn lực tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác tư pháp.
Theo đó, Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, chủ động thực hiện các nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật đảm bảo đúng thời hạn, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác này. Đặc biệt, tư pháp địa phương cần tham gia tích cực hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là đối với các dự luật mà Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, ban hành; tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, hệ thống thi hành án dân sự cần tập trung nguồn lực, kịp thời có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2023; quan tâm hơn nữa tới công tác thu hồi tài sản Nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong toàn hệ thống.
Đối với Đề án 06, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau để triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao. Đồng thời, các địa phương cần chủ động thông tin, phối hợp kịp thời với các đơn vị liên quan thuộc Bộ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ tại Đề án; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp địa phương phải nêu cao tính gương mẫu đi đầu, không đùn đẩy, né tránh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị.