Dự hội nghị về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.
Về phía Trung Quốc có Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba; Phó Tổng Thư ký Quốc vụ viện Trung Quốc Tôn Quảng Vũ; Thứ trưởng Bộ Giao thông Trung Quốc Vương Cương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Trung Quốc Cẩu Bằng. Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực hạ tầng Việt Nam - Trung Quốc.
Dẫn câu ngạn ngữ Trung Quốc “muốn làm giàu trước tiên hãy làm đường”, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh cho biết, những năm qua Trung Quốc đã phát triển hệ thống giao thông thông suốt, an toàn, bền vững, hiệu quả cao với hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, cảng biển hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã vươn ra hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giao thông tại một số nước trong khu vực như Campuchia, Indonesia, Lào.
Theo Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh, Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới cả trên đất liền và trên biển. Giao thông giữa Việt Nam và Trung Quốc được kết nối không chỉ hàng không, hàng hải mà kết nối cả đường bộ, đường sắt. Hai bên đã hợp tác trong một số dự án giao thông của Việt Nam như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội)…
Hai chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc (cuối năm 2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam (12/2023) cũng như cuộc hội kiến giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác lần này đã thống nhất thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả, bền vững hơn, trong đó có nhiệm vụ kết nối hạ tầng, nhất là kết nối hạ tầng giao thông hai nước, phù hợp với sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc và “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh hoan nghênh các cơ quan, doanh nghiệp hai nước cùng nhau thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là hợp tác phát triển giao thông, kết nối giao thông giữa hai nước; cho rằng, cùng với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước, cần huy động các doanh nghiệp tư nhân hai bên vào nhiệm vụ quan trọng này.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển kết nối hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhu cầu khách quan bởi hai nước “Núi liền núi, sông liền sông”. Điều này tạo thuận lợi cho giao lưu nhân dân, hàng hoá, kết nối khu vực và quốc tế; Trung Quốc có thể qua Việt Nam vào Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Việt Nam qua Trung Quốc vào các nước Trung Á, Đông Âu.
Với tư duy và tầm nhìn vượt trội, Trung Quốc đã phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt hoàn chỉnh, hiện đại, có quy mô lớn nhất thế giới. Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược giao thông. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, do đó có điều kiện phát triển 5 phương thức vận tải. Thời gian qua, hợp tác giao thông phát triển mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào phát triển mạnh mẽ quan hệ thương mại song phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu và tham gia thi công các dự án giao thông trọng điểm của Việt Nam như dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông…. Theo Thủ tướng, nếu phát triển các hệ thống đường sắt để kết nối hệ thống giao thông vành đai ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì sẽ đem lại hiệu quả lớn.
Về hợp tác nghiên cứu 3 tuyến đường sắt kết nối giữa Trung Quốc với Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, Việt Nam đang tập trung triển khai với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó, góp phần hoàn thiện khuôn khổ hợp tác “Hai hành lang, một vành đai”, “Vành đai và con đường”.
Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, kết quả hợp tác hạ tầng chiến lược giao thông chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh, mong muốn của hai bên. Trong đó, tuyến đường sắt liên vận còn khó khăn do khác khổ đường; vận tải đường sông còn hạn chế do tĩnh không của các cầu biên giới, đường bộ cao tốc khó kết nối. Hai bên chưa triển khai được các dự án kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược lớn, tiêu biểu; chưa dứt điểm tháo gỡ vướng mắc một số dự án hợp tác cũ. Số lượng doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng các dự phát triển hạ tầng chiến lược còn khiêm tốn, chưa có doanh nghiệp tham gia với hình thức hợp tác công tư. Cơ chế huy động nguồn lực còn khó khăn, chưa linh hoạt, hiệu quả và còn nhiều vướng mắc. Khung khổ hợp tác cụ thể giữa hai nước trên lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược chưa hoàn thiện, đầy đủ.
Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân và bài học, Thủ tướng đề nghị ngành đường sắt cần sớm triển khai 3 dự án, nhất là dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Về đường sắt đô thị, tiếp tục tích cực triển khai các dự án ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Thủ tướng cho biết Chính phủ dự kiến giao các cơ quan liên quan nghiên cứu sớm báo cáo đề xuất Hiệp định liên Chính phủ về phối hợp, triển khai 3 dự án đường sắt phía Bắc, sau khi triển khai tương đối tốt thì sẽ mở rộng ra các tuyến khác, có nhu cầu lớn; trong đó tập trung vay vốn ưu đãi Trung Quốc với cơ chế riêng, chuyển giao công nghệ, kèm theo đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kinh nghiệm để Việt Nam hình thành ngành công nghiệp đường sắt, trong đó đào tạo nguồn nhân lực có vai trò quyết định.
Thủ tướng cũng yêu cầu thúc đẩy mở rộng đường bay giữa hai nước, tăng tần suất các chuyến bay có nhu cầu cao; có chính sách khuyến khích phát triển du lịch Việt Nam - Trung Quốc; đẩy mạnh triển khai dự án đường bộ kết nối hai nước, đặc biệt là các đường cao tốc kết nối, cầu đường bộ biên giới.
Về huy động nguồn vốn, ưu tiên nguồn vốn ngân sách, vốn vay ưu đãi, huy động nguồn lực nhà nước bằng nguồn ngân sách hằng năm, đầu tư nhà nước, vay vốn, phát hành trái phiếu Chính phủ…, Thủ tướng cho biết, Việt Nam chú trọng thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp hai bên cho các dự án kết nối hạ tầng hai nước bằng các hình thức PPP, xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Đối với các doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đẩy mạnh hơn nữa hợp tác liên kết theo hình thức liên doanh, liên danh với nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển”, sớm có các công trình hợp tác biểu tượng giữa hai nước. Thủ tướng mong rằng thời gian tới sẽ có bước đột phá trong quan hệ hai nước, theo tinh thần “6 hơn”, trong đó có thực chất hơn, hiệu quả hơn.
Tại Hội nghị các bộ, ngành, cơ quan và doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng giao thông hai nước đã chia sẻ về tình hình phát triển hạ tầng giao thông mỗi nước; những kinh nghiệm tốt, những bài học thực tiễn đối với phát triển; gợi mở hướng hợp tác phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam, nhất là trong các khâu quy hoạch, thiết kế, huy động nguồn lực, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện, quản lý vận hành khai thác, áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Kết luận Hội nghị, ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, với mong muốn cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao của hai nước thành những sản phẩm cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam có nhu cầu nhưng nguồn lực, công nghệ hạn chế, nhân lực có hạn; Trung Quốc cần giúp đỡ Việt Nam về vay vốn ưu đãi, công nghệ tiên tiến phát triển giao thông, nhất là giao thông xanh, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị thông minh.
Thủ tướng kêu gọi các tập đoàn, tổng công ty của Trung Quốc đến đầu tư, đấu thầu, tham gia xây dựng các công trình lớn, đặc biệt là đột phá trên lĩnh vực giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch. Trước mắt, các doanh nghiệp hai nước liên danh, liên doanh, liên kết với nhau trên tinh thần chân thành, hiệu quả, tin cậy, bỏ qua những vướng mắc gặp phải trước đây, quá trình hợp tác phải lợi ích hài hoà, khó khăn chia sẻ; chống tiêu cực, tham nhũng, không để đội vốn; các doanh nghiệp thể hiện tinh thần chia sẻ, tầm nhìn, hành động với khí thế cao, quyết tâm đầu tư, mạnh dạn, hợp tác để triển khai, toát lên tinh thần sẵn sàng làm, sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng chia sẻ, “biến không thành có, biến không thể thành có thể”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Trên tinh thần “sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với doanh nghiệp”, Thủ tướng cho rằng, qua các hội nghị, diễn đàn, Việt Nam thu lượm được nhiều kinh nghiệm, có định hướng, gợi mở về xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tốt hơn; khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với các bạn khó khăn, để cùng nhau làm tốt hơn trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện thoả thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước trên tinh thần Cộng đồng chia sẻ tương lai của hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước.