Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương lân cận và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, lão thành cách mạng cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tới dự.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện, 25 năm qua, từ khi tái lập, xây dựng và phát triển, Sóc Trăng đã từng bước vươn lên, phát triển toàn diện, khẳng định vị thế mới của một tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Từ một tỉnh tỷ lệ hộ nghèo đói chiếm trên 60%, sau 25 năm đổi mới, phát triển, Sóc Trăng đã phát huy được tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá toàn diện và tương đối vững chắc với mức tăng bình quân mỗi năm trên 10%; tổng sản phẩm tăng hơn 11 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,8 triệu đồng năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 15,4%. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng nông thôn mới và đến nay đã có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng trao Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng do Chủ tịch nước phong tặng cho mẹ Lâm Thị Nguyệt trú tại Phường 5, thành phố Sóc Trăng vì đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Sóc Trăng đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Nguyệt. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, là tỉnh có truyền thống cách mạng hào hùng, sau 25 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng đã chủ động, sáng tạo, vượt qua thách thức, khai thác tiềm năng lợi thế để đạt nhiều thành tựu khá toàn diện trong nhiều lĩnh vực.
Sản xuất nông nghiệp với hai sản phẩm chủ lực là cây lúa và con tôm đã có bước tiến vượt bậc và đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào việc đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu của cả nước. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, bộ mặt đô thị và nông thôn thay đổi rõ rệt; lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe của nhân dân được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện.
Thủ tướng cũng nêu rõ, bên cạnh những thành tựu, Sóc Trăng cũng như một số tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; hạ tầng kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn; nhiều vấn đề xã hội bức xúc, đời sống của một bộ phận người dân chưa bảo đảm...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Nhắc lại mục tiêu của Sóc Trăng đề ra là đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, Thủ tướng cho rằng, với vị trí địa lý, kinh tế, điều kiện tự nhiên xã hội thuận lợi, đặc biệt là một trong những cửa ngõ thông ra biển của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, tỉnh cần năng động, sáng tạo, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, huy động nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển.
Tỉnh cần rà soát các quy hoạch phát triển, trong đó tập trung đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng có trọng tâm trọng điểm, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh, thúc đẩy liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là trong vùng đồng bằng Sông Cửu Long để phối hợp, xây dựng các đề án liên kết phát triển. Trước mắt cần khẩn trương hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng bán đảo Cà Mau với các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Thủ tướng đặt chỉ tiêu cho Sóc Trăng cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có trên 5.000 doanh nghiệp. Đi liền với đó là thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nhất là ở các vùng sản xuất hàng hoá tập trung.
Thủ tướng lưu ý, trong phát triển công nghiệp, Sóc Trăng cần tập trung những thế mạnh của tỉnh, không để ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan; nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Tỉnh cần phát triển mạnh du lịch sinh thái - sông nước và du lịch văn hóa; kết nối các điểm tham quan, du lịch biển, ưu đãi đầu tư du lịch với chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn bền vững quốc tế; phấn đấu đến năm 2020 thu hút từ 2-3 triệu lượt khách du lịch.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Sóc Trăng cần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, đặc biệt là xâm nhập mặn, có phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân; chú trọng bảo vệ môi trường đặc biệt là môi trường biển, cụm công nghiệp; quản lý khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước, đất, quản lý tốt việc khai thác cát, sỏi lòng sông; xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, Sóc Trăng phải tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình, phấn đấu lọt vào nhóm đầu các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.
Thủ tướng tin tưởng, với những thành tựu to lớn đạt được trong 25 năm qua, Sóc Trăng sẽ vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, xây dựng Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.