Tiếp tục đầu tư vào Việt Nam
Tại tọa đàm, các đại biểu đánh giá, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển ngày càng sâu sắc, thực chất và toàn diện. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN, với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư của Việt Nam; tính đến tháng 3/2024, có 4.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD.
Việt Nam và Trung Quốc đều đang thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Các đại biểu cho rằng, việc hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số sẽ góp phần từng bước triển khai cụ thể nhận thức chung cấp cao của hai Đảng, hai nước trong tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, góp phần xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.
Lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam và các doanh nghiệp Trung Quốc đã trao đổi thẳng thắn, chia sẻ các ý tưởng, sáng kiến hợp tác thiết thực để trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước ngày càng thực chất, sâu sắc hơn; khẳng định mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế số.
Trong đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Năng lượng Trung Quốc… mong muốn tham gia các dự án năng lượng mới, phát triển các dự án lưu trữ năng lượng tại Việt Nam; đề nghị Việt Nam sớm ban hành và hướng dẫn thực thi chính sách cho các dự án năng lượng mới; rút ngắn thời gian mời đấu thầu các dự án điện rác; có giải pháp tránh chồng lấn quy hoạch giữa phát triển các dự án điện tái tạo với các quy hoạch phát triển ngành khác.
Các doanh nghiệp sản xuất thanh silicon, tấm silicon, tấm tế bào quang điện, tấm mô-đun năng lượng mặt trời và thiết bị lưu điện của Trung Quốc đề nghị Việt Nam có giải pháp đảm bảo cung cấp hạ tầng, dịch vụ ổn định, chất lượng cao như điện, viễn thông, nguồn nhân lực chất lượng cao để các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư.
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện của Trung Quốc như Chery, Yadea… mong muốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy điện tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu carbon kép của Việt Nam; mong muốn Việt Nam có chính sách khuyến khích để người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm năng lượng mới, năng lượng xanh như: miễn thuế mua hàng, trợ cấp tiêu dùng mua xe…
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi số như ZTE, Huawei… mong muốn phát triển ứng dụng công nghiệp 5G tại Việt Nam; đề nghị Việt Nam hỗ trợ phát triển ứng dụng cho ngành công nghiệp 5G và tạo ra các tiêu chuẩn ứng dụng 5G trong các ngành công nghiệp…
Cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Việt Nam chia sẻ, giải đáp các vấn đề mà các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định đây là cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với đoàn doanh nghiệp Trung Quốc nhằm hiện thực hóa thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược; thể hiện tinh thầm “đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện có hiệu quả” vì lợi ích hai nước, nhân dân hai nước; thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Việt Nam đối với doanh nghiệp Trung Quốc và sự lắng nghe, chia sẻ của Chính phủ Việt Nam đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo Thủ tướng, việc hai bên chia sẻ, trao đổi, góp ý rất cởi mở, thẳng thắn và cầu thị lắng nghe thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao và tình cảm “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai nước; khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam đối với Trung Quốc; thể hiện sự chân thành, hợp tác, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trân trọng các ý kiến phát biểu quý báu, tâm huyết của các đại biểu Trung Quốc; yêu cầu các bộ, ngành liên quan của Việt Nam nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; chủ động xử lý ngay, có văn bản trả lời rõ ràng, cụ thể đối với những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền; kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề vượt thẩm quyền. Trong đó, thành lập Tổ công tác để kết nối, xử lý các vấn đề liên quan nghiêm túc, chân thành, hiệu quả, trên tinh thần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, minh bạch giữa các đối tác.
Thông tin về các yếu tố nền tảng cho sự phát triển và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; đã ký 16 FTA với hơn 60 nước. Thành công của Việt Nam khẳng định tính đúng đắn, chiến lược của các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Chính phủ luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp
Giới thiệu về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc vào Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tạo kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy hợp tác công - tư để phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên cao như: đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo chất lượng cao…; nhất là các doanh nghiệp lớn, có năng lực, uy tín để cùng hợp tác trong những dự án lớn, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp tăng cường hơn nữa đầu tư tại Việt Nam, nhất là sớm có các dự án lớn, tiêu biểu trong các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh về công nghệ cao, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, công nghiệp luyện kim, y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc giúp Việt Nam chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, xây dựng thể chế để có “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”.
Thủ tướng đề nghị, trong quá trình triển khai đầu tư tại Việt Nam, các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc hỗ trợ, tạo điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các tập đoàn, của khu vực, toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cần xây dựng và triển khai các dự án hợp tác cụ thể trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác song phương đã thiết lập như: Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, các sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Phát triển toàn cầu (GDI), An ninh toàn cầu (GSI) và Văn minh toàn cầu (GCI)…; các cơ chế hợp tác đa phương hai bên cùng tham gia (ASEAN – Trung Quốc; RCEP…). Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế để sớm cụ thể hóa, hiện thực hóa kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình vừa qua.
Trong đó, tập trung thúc đẩy kết nối chiến lược trên các lĩnh vực, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ xuyên biên giới (3 tuyến chính: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Quảng Ninh – Hà Nội); đẩy nhanh mở mới, nâng cấp một số cặp cửa khẩu đã thỏa thuận, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; thúc đẩy xây dựng các khu hợp tác qua biên giới, nâng cấp các cửa khẩu quốc tế, triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh, thúc đẩy số hóa các hoạt động giao thương giữa 2 nước, đặc biệt là du lịch.
Các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục tạo thuận lợi cho tăng cường thương mại song phương; ủng hộ việc loại bỏ những rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc chủ động tham gia, nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất các chương trình, dự án trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cùng Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục tích cực hợp tác, trao đổi để tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương Việt Nam tháo gỡ rào cản sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; khuyến khích áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, nhất là trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Khẳng định “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của hai bên, trên nền tảng quan hệ song phương tốt đẹp, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại Việt Nam – Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số sẽ là động lực quan trọng, đột phá giúp đưa mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.
Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi”, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam.