Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bắc Ninh.
Nhóm đứng đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực
Trong bối cảnh có những khó khăn, thách thức chung, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện. Năm 2022, GRDP tăng 7,39%. Quy mô kinh tế tỉnh đạt gần 250 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước. GRDP bình quân đầu người đứng thứ 3 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, với tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 76,5%; dịch vụ chiếm 17,22%; nông nghiệp chiếm 2,53%.
Đáng chú ý, năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước, đạt gần 1,35 triệu tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đứng thứ 2 cả nước với 83,7 tỷ USD trong năm 2022, xuất siêu 6,5 tỷ USD. Thu hút FDI tốt, hiện tổng vốn đầu tư FDI đạt 24,2 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước.
Bên cạnh đó, nhiều chỉ số cải cách hành chính thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Theo đó, năm 2022, PCI xếp 7/63, chỉ số Xanh cấp tỉnh thứ 3/63. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022 xếp thứ 7/63. Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên xuất hiện dịch COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ tư với đặc thù nhiều khu công nghiệp, công nhân đông, di chuyển phức tạp. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo và đã kiểm soát tốt dịch COVID-19. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp, đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội được quan tâm, đời sống người dân được nâng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%, đứng thứ 3 cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo thấp, chỉ 0,94%.
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2023, bối cảnh khó khăn, nhưng tình hình kinh tế- xã hội của Bắc Ninh vẫn có nhiều điểm sáng. Trong đó, sản xuất có dấu hiệu phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp - IIP từ tháng 3/2023 đến nay, tháng sau cao hơn tháng trước; tháng 7 có tốc độ tăng cao nhất, tăng 23,84% so với tháng 6.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định vị thế tốp đầu cả nước. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Qua rà soát, sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, đến nay Bắc Ninh hòa thành và hoàn thành vượt mức 7/28 mục tiêu chủ yếu đề ra; 19 mục tiêu tiếp tục phấn đấu hoàn thành.
Tỉnh Bắc Ninh cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế; đề ra các giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, tập trung giải quyết 8 điểm nghẽn liên quan huy động nguồn lực; phát triển kết cấu hạ tầng; sử dụng, quản lý đất đai, môi trường; biểu hiện suy giảm về năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và trong cán bộ, đảng viên…
Để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành xem xét như: khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; hỗ trợ ngân sách để tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; tăng biên chế cho tỉnh; sửa đổi, bổ sung một số Nghị định, điều Luật tháo gỡ các điểm vướng mắc sử dụng đất, đấu thầu, quản lý ngân sách…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu, đánh giá cao kế quả phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; giải đáp các đề xuất, kiến nghị và gợi mở các nhiệm vụ, giải pháp để Bắc Ninh phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, Bắc Ninh cần tiếp tục phát huy lợi thế vùng đất, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa; khắc phục các hạn chế, như xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; khai thác các nền tảng đã tạo dựng về hạ tầng, công nghiệp… để phát triển, nhất là công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh; đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt Bắc Ninh cần phát triển hài hòa, cân đối và có chọn lọc hơn…
Vùng đệm của Thủ đô Hà Nội
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Ninh, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế mà Bắc Ninh cần khắc phục như: tăng trưởng kinh tế giảm sâu, trong 6 tháng GRDP giảm 12,59%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng giảm 16,62%; tổng vốn FDI vào Bắc Ninh 7 tháng 2023 giảm 32,4% so với cùng kỳ; chậm phê duyệt Quy hoạch chung; công tác giải ngân vốn đầu tư công còn khó khăn; quản lý, khai thác, sử dụng đất đai hiệu quả chưa cao; vấn đề môi trường còn nhiều bức xúc; văn hóa tuy được gìn giữ, bảo tồn nhưng chưa trở thành động lực, nguồn lực cho phát triển…
“Bắc Ninh cần phân tích các nguyên nhân, phải chăng kinh tế còn phụ thuộc FDI, xuất khẩu; có hiện tượng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; công tác chỉ đạo chưa quyết liệt; tái cơ cấu kinh tế chưa bền vững… Qua đó, tìm cách khắc phục, xây dựng tỉnh Bắc Ninh thành thành phố trực thuộc Trung ương; là vệ tinh cho Thủ đô Hà Nội”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô; nằm trong hai hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Bắc Ninh có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và thuận lợi cho giao thương. Hiện, tỉnh tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp. Môi trường kinh doanh thuận lợi. Tiềm năng phát triển du lịch lớn với truyền thống lịch sử, nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc... Đặc biệt, Bắc Ninh là vùng đất địa linh nhân kiệt; truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, con người “trọng chữ tình”.
“Nhận diện và khai thác hiệu quả những tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, Bắc Ninh sẽ sớm trở thành một thành phố văn minh, hiện đại”, Thủ tướng khẳng định.
Trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh và tình hình thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ một số quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, tỉnh cần quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XX; Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng; bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng lưu ý, Bắc Ninh phải tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Tỉnh cần phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tự lực tự cường vươn lên; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực; thực hiện tái cơ cấu kinh tế, giảm phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên, thâm dụng lao động.
Thủ tướng yêu cầu, tỉnh khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cần phát triển hài hòa, bền vững
Trước mắt, tỉnh Bắc Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, cùng với thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; làm tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng kết nối; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho người dân; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển tư duy phát triển nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp; xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, tỉnh phát triển mạnh các ngành dịch vụ; đẩy mạnh quảng bá về du lịch lễ hội; đang dạng hóa các sản phẩm du lịch; bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Quan họ; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể thế giới…
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bắc Ninh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây là những vấn đề cần xem xét, vì các vấn đề tỉnh nêu chủ yếu liên quan thể chế, không chỉ là vướng mắc riêng của tỉnh Bắc Ninh mà là của nhiều tỉnh, thành, bộ, ngành. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh để giải quyết.
Đối với các vấn đề riêng của tỉnh, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và tỉnh phối hợp xử lý, căn cứ tình hình, nguồn lực chung và theo lộ trình phù hợp, những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét. Riêng về kiến nghị, tăng biên chế đối với một số vị trí, Thủ tướng yêu cầu thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.