Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tổ chức cán bộ
Bác Hồ rất quan tâm đến việc nâng cao trình độ về mọi mặt của người cán bộ. Người đòi hỏi cán bộ phải có những hiểu biết mới và khả năng mới để đáp ứng được những yêu cầu của sự nghiệp Cách mạng, phải luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Lênin “Học, học nữa, học mãi”. Người nói “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị mà còn phải giỏi cả về chuyên môn, không hiểu biết, không giỏi chuyên môn, nghiệp vụ thì người cán bộ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Người cán bộ được ví như là “Cái dây chuyền của bộ máy”, nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ, máy cũng tê liệt, cán bộ chính là “Chiếc cầu nối giữa Đảng và nhân dân”. Người đặt yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ, yêu cầu đầu tiên không thể thiếu là đạo đức Cách mạng: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”, “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người Cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Người chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn Cách mạng nước ta. Người coi việc huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Muốn vậy thì phải hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ. Bởi vì muốn sử dụng cán bộ đúng thì trước hết phải hiểu đúng cán bộ, đánh giá đúng cán bộ để sắp xếp cho đúng. Phải xem xét công tác, cách sinh hoạt của họ, cách nói, cách viết và việc làm, cách đối xử của họ đối với mọi người, đồng thời phải tránh việc chia bè, kéo cánh, cục bộ địa phương. Việc cất nhắc, đề bạt cán bộ phải luôn căn cứ vào tình hình thực tế đã có, sử dụng cán bộ phải đúng người đúng việc chứ không phải vì người mà định việc. Đặc biệt, Người cũng yêu cầu người cán bộ ở cương vị lãnh đạo phải liêm chính, vô tư, công bằng, thẳng thắn, gần gũi mọi người, sáng suốt để đánh giá đúng cán bộ vì “Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở”.
Mặt khác phong cách công tác khoa học đó cũng là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ cách mạng “Nhất thiết phải có”. Muốn có phong cách công tác khoa học phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái, chống bệnh ham chuộng hình thức, chỉ nhằm hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai, chống cách làm việc theo lối bàn giấy, chỉ tay năm ngón, gặp đâu hay đấy, thiếu khoa học, thiếu kiểm tra…
Theo Hồ Chí Minh, trong việc sử dụng cán bộ, Người rất chú ý đến việc cất nhắc đề bạt cán bộ một cách đúng đắn, sử dụng cán bộ phải đúng, đảm bảo cả khoa học lẫn nghệ thuật. Người cho rằng “Dụng nhân như dụng mộc”. Người căn dặn rằng, ai có năng lực làm việc gì thì nên đặt đúng vào việc ấy. Người khuyên người lãnh đạo phải tin tưởng, mạnh dạn giao việc lớn, cất nhắc cán bộ, nhân tài đúng lúc, đúng chỗ. Khi cất nhắc rồi phải tiếp tục giúp đỡ ủng hộ để họ làm việc tốt hơn.
Khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở việc kết hợp các thế hệ cán bộ một cách đúng đắn. Hiện nay, trong đội ngũ cán bộ có cán bộ già, có cán bộ trẻ. Cán bộ già là vốn quý, là những người có kinh nghiệm, được rèn luyện, thử thách trong đấu tranh. Còn cán bộ trẻ tuy chưa có ưu điểm như cán bộ già, nhưng lại hăng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập, tiến bộ rất nhanh. Vì vậy, cán bộ già không nên coi thường cán bộ trẻ, cán bộ trẻ phải kính trọng, khiêm tốn, học tập cán bộ già, cả hai đều phải biết “tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau”.
Hồ Chí Minh nói: “Cán bộ là tiền vốn của Đảng và Chính phủ”, vì vậy phải có chế độ quản lý chặt chẽ, nắm bắt từng cán bộ cả về đức và tài. Đào tạo được một cán bộ không phải là công việc dễ dàng mà rất công phu. Đảng phải chăm lo cho cán bộ như người vun trồng cây cối quý báu như Người đã từng dạy “Phải trọng dụng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”.
Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động có tâm sáng, bút sắc, tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng giám đốc TTXVN cho biết: “Trọng tâm của công tác tổ chức cán bộ của TTXVN hiện nay xây dựng mô hình tổ chức của ngành trong thời kỳ mới và xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập viên có năng lực, chuyên môn đáp ứng được yêu cầu công tác. Mỗi cán bộ, đảng viên phải có phẩm chất chính trị tốt, tận tụy, sáng tạo, thật sự có năng lực mới thực hiện được các nhiệm vụ theo yêu cầu hiện nay. Công chức, viên chức, người lao động cần chú trọng học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và quan trọng hơn cả là tự học, tự cập nhật kiến thức để áp dụng vào chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công tác”.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, TTXVN đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và đặc biệt đã “đi trước đón đầu” trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành, tập trung vào các loại hình thông tin mới, đáp ứng yêu cầu thông tin của cơ quan thông tấn đa phương tiện. Trong đó, đã đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho 84 người, trung cấp lý luận chính trị cho 105 người; bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, quản lý cho 97 người; bồi dưỡng ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức cho 292 người; mở 53 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 2.413 lượt người và cử đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở trong nước và ngoài nước cho 87 người.
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, TTXVN đã xây dựng Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021, xem xét điều động, luân chuyển nhân sự trong nội bộ căn cứ yêu cầu công tác, đảm bảo bộ máy tinh gọn, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của ngành. Từ năm 2015-2019, TTXVN đã thực hiện tinh giản biên chế đối với 20 trường hợp. Số lượng người làm việc và hợp đồng lao động của các đơn vị sự nghiệp liên tục giảm qua các năm, từ 1.993 người (năm 2015) xuống 1.823 người (năm 2019). TTXVN đã hoàn thành xây dựng Đề án vị trí việc làm trình Bộ Nội vụ phê duyệt theo thẩm quyền.
Đảng ủy, Ban lãnh đạo ngành lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý cấp ban, cấp phòng giai đoạn 2016-2020, quy hoạch lãnh đạo ngành các giai đoạn 2016-2021, 2021-2026 và giới thiệu nhân sự của TTXVN vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026. Công tác quy hoạch nhân sự lãnh đạo, quản lý của TTXVN đi vào nền nếp, được bổ sung hằng năm, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch, là căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm.
TTXVN đã xây dựng và thực hiện Quy hoạch nguồn nhân lực đến năm 2020; tổ chức các đợt thi tuyển viên chức đáp ứng nhu cầu nhân lực của các đơn vị; thực hiện luân chuyển phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là luân chuyển phóng viên đi thường trú tại CQTT trong và ngoài nước; xây dựng đội ngũ nhân sự kế cận cấp phòng, cấp ban, cấp ngành. Trong nhiệm kỳ qua, TTXVN đã thực hiện quy trình bổ nhiệm bổ sung 02 lãnh đạo ngành, bổ nhiệm 66 lượt nhân sự quản lý cấp ban, 346 lượt nhân sự quản lý cấp phòng và tương đương.
Bên cạnh đó, ngành đã giải quyết chế độ, chính sách theo quy định, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Công tác thi đua, khen thưởng được quan tâm, tăng cường khen thưởng đột xuất, kịp thời động viên công chức, viên chức và người lao động hăng hái thi đua, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
TTXVN đã thực hiện tốt các công việc liên quan đến vấn đề tổ chức, nhân sự như thành lập, giải thể, sắp xếp lại một tổ chức, bộ máy, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, tuyển dụng, đi học, nghỉ việc, nâng lương, bảo hiểm, thi đua, khen thưởng, công tác thương binh liệt sỹ, cán bộ hưu trí và gia đình chính sách. Các Ban công tác của TTXVN Ban Quản lý chỉ đạo CQTT trong nước; Ban Quản lý chỉ đạo CQTT ngoài nước; Ban công tác Bảo hiểm xã hội; Hội đồng Thi đua - Khen thưởng; Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ; Ban chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Ban chỉ đạo phối hợp phổ biến công tác giáo dục pháp luật; Ban chỉ đạo dân số kế hoạch hoá gia đình; Ban chỉ đạo cải cách hành chính, Ban bảo vệ chính trị nội bộ… đều hoạt động có hiệu quả.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, TTXVN đã thực hiện tốt công tác tổ chức bộ máy và nhân sự, đặc biệt đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2017/NĐ-CP, ngày 26/10/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTXVN, tạo tiền đề và cơ sở vững chắc cho TTXVN hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế trong hệ thống báo chí trong nước và quốc tế.
Triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị định số 118/2017/NĐ-CP, Đảng ủy đã chỉ đạo rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị trong ngành, đồng thời sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các phòng trực thuộc theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ năm 2015-2019, TTXVN đã giảm 01 đầu mối đơn vị cấp ban (từ 29 xuống 28) và giảm 18 đầu mối cấp phòng (từ 155 xuống 137).
Thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ đã góp phần xây dựng cơ quan TTXVN vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho TTXVN, xứng đáng là Trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước.