Đó không chỉ là ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân với những cống hiến to lớn của đội ngũ những người làm báo TTXVN, mà còn là sự khẳng định vị thế, uy tín của Cơ quan thông tấn quốc gia trong làng báo chí cách mạng Việt Nam.
Mỗi nhà báo là một chiến sĩ
Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phóng viên TTXVN đã có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, ghi lại bằng hình ảnh những khoảnh khắc tiêu biểu và chân thực nhất về sự chiến đấu dũng cảm, hào hùng của quân và dân ta.
Ngay từ buổi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ Hà Nội đến Việt Bắc, ở Sài Gòn hay bưng biền, đâu đâu cũng có mặt phóng viên TTXVN. Những lúc địch đánh vào căn cứ, anh chị em vừa phải chiến đấu bảo vệ căn cứ, vừa phải truyền tin, ảnh về Tổng xã. Có những thông tin mà phóng viên phải ngồi viết ngay dưới hầm công sự khi quân địch vẫn đang nổ súng bên ngoài.
Phóng viên thông tấn còn tỏa đi các địa bàn, các vùng địch hậu, mở rộng các đường liên lạc với các khu kháng chiến trong cả nước, bảo đảm thu-phát tin đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời những sự kiện quan trọng trong nước và thế giới; xông pha vào những địa bàn nóng bỏng, gian khổ nhất, từ Hàm Rồng (Thanh Hóa), ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đến Quảng Bình, miền đất lửa Vĩnh Linh, đường mòn Hồ Chí Minh… để ghi lại hình ảnh chiến đấu dũng cảm, hào hùng của quân và dân ta.
Mỗi phóng viên vì vậy ngoài túi phim và máy ảnh còn luôn mang theo bên mình súng, đạn... Tuy tác nghiệp trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng cũng nhờ thế mà họ mới phản ánh kịp thời, chân thực cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Và nhiều tấm ảnh, bản tin của TTXVN đã trở thànhnhững nhân chứng lịch sử.
Nói về những năm tháng tác nghiệp trong khói lửa chiến tranh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành - nguyên Trưởng Ban biên tập Ảnh kể rằng ông không thể quên được trận B52 đầu tiên tại xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, khi đó máy bay B52 của Mỹ rải bom kéo dài hàng cây số, tất cả làng xã tan hoang. Ông và nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng khi đó ở trong tọa độ bom, nhà báo Lương Nghĩa Dũng chụp ảnh pháo cao xạ ở vòng ngoài.
“Lo tôi trúng bom, anh hớt hải chạy về, nhảy từ miệng hố bom này sang miệng hố bom khác, lớn tiếng tìm gọi. Lúc thấy tôi lành lặn, anh ôm chầm lấy, mừng ra mặt. Nhưng buông tay, anh giục luôn: Đi thôi, chụp khắc phục hậu quả! Chưa hết bàng hoàng, nghe anh nói như ra lệnh, tôi bừng tỉnh, liền rảo bước theo và thầm nể phục anh, nhà báo lính trận, nhanh nhạy, tháo vát, không bỏ lỡ thời cơ ghi hình”, ông nói.
Những tác phẩm để đời
Trong số hàng triệu bức ảnh mà phóng viên TTXVN ghi lại, đã có nhiều tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật cùng nhiều giải thưởng cao quý khác, trở thành những bức ảnh kinh điển về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến hai Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng cao quý nhất dành cho những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật) được trao cho nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long với tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt” (năm 1996) và nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng với bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại” (năm 2017).
Hai tác phẩm của nhà báo Lâm Hồng Long không có khói lửa, nhưng lại thể hiện một cách sâu sắc tinh thần đoàn kết và hình ảnh tiêu biểu cho cuộc đấu tranh thắng lợi của dân tộc. Tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” của nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long chụp ngày 3/9/1960, trong đêm Dạ hội nhân dân thủ đô mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Bức ảnh có bố cục chặt chẽ, vừa có tính khái quát cao vừa có những chi tiết sinh động, làm nổi bật chân dung vị lãnh tụ vĩ đại mà vô cùng giản dị, ung dung tự tại.
Bác không chỉ là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng năm ấy mà còn là người "nhạc trưởng" vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam. Bức ảnh đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Tác phẩm thứ hai của tác giả Lâm Hồng Long có tên “Mẹ con ngày gặp lại”, chụp ngày 6/5/1975 tại Rạch Dừa, Vũng Tàu, ghi lại khoảnh khắc người mẹ gặp lại con trai (tử tù từ Côn Đảo) trở về sau ngày miền Nam được giải phóng. Bức ảnh đã trở thành biểu tượng của ngày thống nhất đất nước. Những giọt nước mắt của người mẹ già và người con trai tưởng đã phải chết, nhờ giải phóng mà trở về đã gây xúc động và ấn tượng sâu sắc cho người xem.
Còn với bộ ảnh được Giải thưởng Hồ Chí Minh của cố nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng “Những khoảnh khắc để lại”, gồm 5 tác phẩm: “Lửa vây máy bay Mỹ”, “Nữ pháo binh Ngư Thủy”, “Đưa xe tăng vào trận địa”, “Xốc tới” và “Đánh chiếm cứ điểm 365”, lại cho người xem thấy được tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta, đặc biệt là các chiến sỹ ngoài mặt trận. Đây là những khoảnh khắc bi tráng, khốc liệt, nóng hổi và rợn người trên các chiến trường, và cũng là những hình ảnh cho thấy sự dũng cảm, nhạy bén của nhà báo, dám lăn xả vào cuộc chiến, bám sát mục tiêu để ghi lại những hình ảnh chân thực trong chiến tranh, mà quên đi bom đạn đang bủa vây quanh mình. Bên cạnh giải thưởng trên, tác giả Lương Nghĩa Dũng còn được trao Giải thưởng nhà nước năm 2007 cho tác phẩm “Đấu pháo ở Dốc Miếu”.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, hai tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là thành công lớn của các nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh TTXVN, cũng là thành công của TTXVN. Các phóng viên đã luôn bám sát sự thật, người thật, việc thật, vào những thời điểm nóng bỏng nhất của lịch sử để cho ra đời những tác phẩm có giá trị, tiêu biểu cho đất nước, con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Những tác phẩm nhiếp ảnh quý giá của các nhà báo đã trở thành những tài liệu lịch sử, những bằng chứng lịch sử quý giá của dân tộc.
Bên cạnh Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhiều phóng viên, nhiếp ảnh TTXVN đã được trao Giải thưởng Nhà nước. Đó là nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài - người luôn quý trọng từng giây phút, sẵn sàng hy sinh, cống hiến hết mình vì nhiệm vụ được giao. Bởi tình yêu và sự tận tụy trong công việc, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh của ông ghi lại khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, như các tác phẩm: “Công binh mở đường Trường Sơn cho xe qua”, “Vượt Trường Sơn”, “Biệt động Sài Gòn”, “Hiệp định Paris 1973, Mỹ rút quân”, “Thần tốc tiến về Sài Gòn”, 5 tác phẩm này của ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2017.
Là nhà nhiếp ảnh Hứa Thanh Kiểm (Hứa Kiểm) - cả cuộc đời cầm máy gắn bó với lớp lớp thanh niên xông pha ra trận. Bộ ảnh “Đường 20 Quyết thắng” của ông được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2017. Bộ ảnh đã khiến người xem cảm phục tuổi trẻ Việt Nam thời chiến, dũng cảm kiên cường. Đồng thời họ cũng cảm phục người cầm máy đã có mặt tại nơi ác liệt đó để ghi lại một cách trung thực, chính xác, sinh động những con người, những chiến công phi thường đó.
Là nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành với bộ ảnh “Từ ngục tối thắng lợi trở về” - đặc tả những khoảnh khắc cao trào nhất của niềm vui, cảm xúc vỡ òa của những người tù cách mạng khi được trở về với quê hương, gia đình, đồng đội…
Là nhà nhiếp ảnh Lê Minh Trường với tác phẩm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” - một bức ảnh báo chí, cũng là một bức ảnh nghệ thuật - gây xúc động mạnh mẽ, thể hiện niềm tin của Việt Nam quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Bác: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Là nhà báo, nghệ sĩ, chiến sĩ Hoàng Văn Sắc với các tác phẩm: “Đường ra tiền tuyến”, “Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”. Đây là hai trong hàng nghìn tấm ảnh mà nhà báo Văn Sắc đã chụp trong những năm 1965-1968 ở tuyến lửa khu IV cũ. Với tinh thần dũng cảm, lòng say mê nghề nghiệp và lao động miệt mài, ông đã ghi được những tấm ảnh rất tiêu biểu, rất sống động trên tuyến lửa Nghệ-Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh.
Là tác giả Dương Thanh Phong với các tác phẩm: “Niềm hạnh phúc trong khắc nghiệt của chiến tranh”, “Khiêng nhà về làng cũ”, “Du kích đội rơm ngụy trang tiếp cận địch”, “Binh lính Sài Gòn hốt hoảng trút bỏ quân trang quân dụng tháo chạy trong ngày 30/4/1975”. Trưởng thành trong lửa đạn, sống chết cùng quân dân, Dương Thanh Phong là tác giả của hàng trăm tấm ảnh quý, cũng là tấm gương sáng về sự dũng cảm, vượt mọi gian khó để hoàn thành nhiệm vụ...
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những tháng ngày bám cung đường lửa, hiến dâng tuổi thanh xuân cho cuộc trường chinh từ Bắc vào Nam, từ quê hương tới đất bạn Lào, Campuchia để rồi có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 vẫn vẹn nguyên trong tâm thức những cựu phóng viên chiến trường của TTXVN. Đó là những năm tháng họ đã sống, chiến đấu như những người lính; đã cống hiến để "dòng tin" không bao giờ ngừng chảy, để mỗi bức ảnh là những khoảnh khắc lịch sử.
* Các tác giả và tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước
- Giải thưởng Hồ Chí Minh
1. Tác giả Lâm Hồng Long với tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt”, giải thưởng năm 1996.
2. Tác giả Lương Nghĩa Dũng với bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại” gồm: “Lửa vây máy bay Mỹ”, “Nữ pháo binh Ngư Thủy”, “Đưa xe tăng vào trận địa”, “Xốc tới” và “Đánh chiếm cứ điểm 365”, giải thưởng năm 2017.
- Giải thưởng Nhà nước
1. Tác giả Văn Bảo với tác phẩm “Từ ‘thần sấm’ xuống xe trâu”, giải thưởng năm 2007.
2. Tác giả Vũ Đình Hồng với hai tác phẩm: “Bác Hồ thăm đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đang trực chiến” và “Bác Hồ với các anh hùng chiến sỹ thi đua các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc”, giải thưởng năm 2007.
3. Tác giả Võ An Khánh với các tác phẩm: “Phóng lựu đạn vào đồn địch, một phát minh độc đáo của chiến tranh nhân dân”, “Hàng vạn nhân dân 3 xã Trần Thới, Phú Mỹ, Tân Hưng Đông biểu tình tuần hành ủng hộ bản tuyên bố 8 điểm với thiện chí hoà bình của đoàn đại biểu tại hội đàm Pari” và “Trạm Quân y dã chiến”, giải thưởng năm 2007.
4. Tác giả Lương Nghĩa Dũng với tác phẩm “Đấu pháo ở Dốc Miếu”, giải thưởng năm 2007.
5. Tác giả Vũ Tạo với tác phẩm “Hiên Ngang”, giải thưởng năm 2007.
6. Tác giả Trần Bỉnh Khuôl với các tác phẩm: “Tấn công đồn Cái Keo, huyện Đầm Dơi, Cà Mau” và “Du kích Cà Mau kéo pháo để tấn công và chiếm cứ điểm Cái Keo của Quân Nam Việt Nam 1965”, giải thưởng năm 2007.
7. Tác giả Dương Thanh Phong với các tác phẩm: “Niềm hạnh phúc trong khắc nghiệt của chiến tranh”, “Khiêng nhà về làng cũ”, “Du kích đội rơm ngụy trang tiếp cận địch” và “Binh lính Sài Gòn hốt hoảng trút bỏ quân trang quân dụng tháo chạy trong ngày 30/4/1975”, giải thưởng năm 2007.
8. Tác giả Hoàng Văn Sắc với các tác phẩm: “Đường ra tiền tuyến” và “Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”, giải thưởng năm 2007.
9. Tác giả Lê Minh Trường với tác phẩm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, giải thưởng năm 2007.
10. Tác giả Đinh Ngọc Thông với tác phẩm “Chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ đọc thư nhà dưới chiến hào”, giải thưởng năm 2007.
11. Tác giả Chu Chí Thành với bộ ảnh “Từ ngục tối thắng lợi trở về” gồm 4 bức ảnh: “Nghẹn ngào đón mừng chiến sỹ thắng lợi trở về”, “Hạnh phúc của những người chiến thắng”, “Thoát khỏi ngục tù” và “Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng”, giải thưởng năm 2012.
12. Tác giả Hứa Kiểm với bộ ảnh “Đường 20 - Quyết thắng” gồm 5 bức: “Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sỹ lái xe”, “Công binh vượt lầy”, “Chiến sỹ Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, lái xe vượt Đường 20 - Quyết thắng”, “Mở đường tại ngầm Tà Lê sau trận bom của máy bay B52 Mỹ” và “Xe qua cua chữ A - một trọng điểm ác liệt trong cụm liên hoàn ATP”, giải thưởng năm 2017.
13. Tác giả Lâm Tấn Tài với 5 bức ảnh: “Công binh mở đường Trường Sơn cho xe qua”, “Vượt Trường Sơn”, “Biệt động Sài Gòn”, “Hiệp định Paris 1973, Mỹ rút quân” và “Thần tốc tiến về Sài Gòn”, giải thưởng năm 2017.