Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại hội trường.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải đáp câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc quản lý hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng; việc xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng; giải pháp để bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán...
Phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp, thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến của một số cử tri tại Thanh Hóa, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu về phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Trả lời chất vấn đúng trọng tâm Theo cử tri Hoàng Long Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, qua theo dõi cử tri nhận thấy chất lượng các câu hỏi, trả lời và cả việc điều hành các phiên chất vấn đã ngày càng được nâng, đặc biệt là tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV. Các câu hỏi đã đi thẳng vào những vấn đề “nóng” mà xã hội quan tâm. Ngay cả một số vấn đề nhạy cảm cũng được các “tư lệnh ngành” trả lời thẳng thắn, không né tránh, lòng vòng; đồng thời nêu rõ các giải pháp khắc phục, biện pháp xử lý trong thời gian tới. Luật sư Long Hà nhận xét, chất lượng các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội thời gian qua cho thấy sự minh bạch thông tin và cho toàn dân thấy quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo.
Còn cử tri Trần Hữu Dật, quận Hải Châu, Đà Nẵng, cho rằng: Chất lượng các câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng cao. Các Bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm đã trả lời gọn, đúng trọng tâm, giải đáp những băn khoăn và đưa ra giải pháp, định hướng để triển khai trong thời gian tới. Một điều nữa cử tri cũng nhận thấy là sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội rất dứt khoát, khoa học, mạch lạc; qua đó chất lượng nhiều câu hỏi và phần trả lời của các tư lệnh, trưởng ngành rất súc tích, chất lượng.
Xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào sáng 17/11 các đại biểu Quốc hội đã tập trung nêu câu hỏi liên quan đến các nhóm vấn đề: Điều hành chính sách tiền tệ; đảm bảo hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng tín dụng hợp lý, an toàn; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được Nhà nước xử lý, thực hiện các giải pháp an toàn hiệu quả cho cả hệ thống ngân hàng; ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính phủ điện tử... Đây chính là những nội dung đã được cử tri đặc biệt quan tâm.
Cử tri Phan Hải, Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng cho biết, ông rất ấn tượng với phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng. Thống đốc đã nắm chắc lĩnh vực được giao quản lý và trả lời một cách suôn sẻ, thuyết phục. Đặc biệt các vấn đề cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, giải quyết nợ xấu, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém đã được đề cập. Đây là những vấn đề mà các doanh nghiệp rất quan tâm. Thống đốc Ngân hàng đã khẳng định: Giải pháp từ nay đến cuối năm là đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng như định hướng và kiểm soát được chất lượng tín dụng...
Đồng hành cùng doanh nghiệp, giãn nợ cho người dân vùng ảnh hưởng thiên tai
Cử tri Bùi Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, các cấp, các ngành rất quan tâm, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, tuy nhiên, cần có chính sách cụ thể hơn. Theo ông Diệp, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp hiện rất khó tiếp cận vốn vay vì không có tài sản thế chấp. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách để Nhà nước, các ngân hàng cùng tham gia khởi nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua hỗ trợ, tài trợ, cho vay đối với những dự án, đề án, ý tưởng tốt, có tính khả thi và cùng tham gia quản lý, phát triển các ý tưởng, đề án tốt. Nên nhận thế chấp những tài sản là các dự án, đề án, ý tưởng đã hình thành, đi vào hoạt động, chứ đòi hỏi có tài sản thế chấp mới cho vay thì sẽ rất khó có cơ hội cho loại hình doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
Còn theo cử tri Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa: Các câu trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng rất cụ thể. Trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu đề cập đến việc tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cử tri Lê Như Tuấn rất quan tâm đến câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề khoanh nợ, giãn nợ cho người dân bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa bão vừa qua. Họ phải vay vốn ngân hàng để sản xuất nông nghiệp, nhưng lại bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, thậm chí có người bị mất trắng. Vấn đề này đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời khá thẳng thắn, đáp ứng được mong mỏi, kỳ vọng của người dân, giúp họ yên tâm sản xuất, bởi Ngân hàng Nhà nước đang triển khai rất quyết liệt nội dung này và giao cụ thể về các chi nhánh ngân hàng Nhà nước ở tỉnh, thành phố rà soát đánh giá lại thiệt hại của nông dân, từ đó có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ. Với những hộ bị thiệt hại nặng nề có thể được ngân hàng xóa nợ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện cho người nông dân vay mới để khôi phục sản xuất.