Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng nêu việc chuẩn bị lựa chọn bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên tham gia chất vấn tại mỗi kỳ họp Quốc hội được thực hiện theo quy trình, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của cử tri và nhân dân. Ngoài việc lựa chọn vấn đề "nóng" còn dựa trên tính chất luân phiên.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Quốc hội kỳ này chọn 4 nhóm vấn đề liên quan tới tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, toà án và theo thông lệ, kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, hiện phát sinh hình thức kinh doanh mới như kinh doanh qua mạng, nhưng cơ chế quản lý thuế vẫn theo truyền thống, vì thế quản lý phải thay đổi để theo kịp sự phát triển của xã hội.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, những vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp này là những nội dung thời sự, được cử tri cả nước rất quan tâm. Là đại biểu của đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết quan tâm đến động lực để phát triển nông nghiệp, cụ thể là vấn đề ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Mai Thị Ánh Tuyết. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo để áp dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, trong đó, có gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho vấn đề này. Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, việc triển khai chủ trương này chậm và còn nhiều vướng mắc nên việc hỗ trợ cho các địa phương và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn rất thấp.
Đại biểu cho rằng, việc triển khai còn chậm là do phân cấp, ủy quyền cho địa phương để xác nhận dự án, doanh nghiệp nào được hưởng chính sách ứng dụng công nghệ cao và điều kiện để các doanh nghiệp đó được giao nguồn ứng dụng công nghệ cao đều thiếu các quy định cụ thể. Theo đại biểu phải cụ thể hóa những vấn đề phân cấp, đối tượng nào được vay cũng như cơ chế đặc thù đối với các doanh nghiệp như: vấn đề bảo lãnh thế chấp phải phù hợp với từng địa phương, doanh nghiệp…
Đại biểu mong Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan tìm ra nguyên nhân và hướng đi phù hợp, có những giải pháp đồng bộ để sắp tới ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ cao. "Tôi mong rằng, sau chất vấn này, các bộ, ngành, địa phương có những giải pháp triển khai đồng bộ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp" - đại biểu nêu.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Đánh giá cải cách thủ tục thu thuế ngành tài chính vừa qua đã làm rất tốt, chuyển từ kê khai giấy sang kê khai điện tử, rút ngắn thời gian kê khai thuế, tuy nhiên đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu hiện phát sinh nhiều loại hình kinh doanh mới như bán hàng trên mạng, kinh doanh của Uber, Grab hiện ngành tài chính chưa thể kiểm soát được... Đại biểu cho biết sẽ chất vấn Bộ trưởng Tài chính về những thay đổi trong phương thức thực hiện kiểm soát giao dịch kinh doanh, thu thuế không theo truyền thống như hiện nay để tránh tình trạng thất thoát thuế.
Nêu cử tri quan tâm đến các vấn đề liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của người dân, các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho biết cử tri mong muốn quy định quyền tiếp cận thông tin phải thật cụ thể, rõ ràng để người dân thực sự tiếp cận và sử dụng được thông tin đó.