Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 28/5, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Du Lịch phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN |
Cần thiết sửa đổi Luật tố tụng hành chính Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Tờ trình dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) nêu rõ: Thực tiễn hơn 3 năm thi hành Luật tố tụng hành chính cho thấy, mặc dù số lượng các vụ án hành chính ngày càng gia tăng nhưng chất lượng giải quyết, xét xử chưa thực sự bảo đảm; số lượng các bản án, quyết định về vụ án hành chính bị huỷ, sửa chưa giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc thi hành các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, mặc dù đã có phán quyết của Toà án về việc buộc người bị kiện phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quyết định hành chính, dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, do hạn chế, bất cấp một số quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành, gây khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết, xét xử vụ án kể từ khi thụ lý cho đến khi thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Cũng theo Chánh án Trương Hòa Bình, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp mới; trong đó, nhiều nội dung quan trọng về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đã được bổ sung, sửa đổi. Trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Theo đó, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân; cơ cấu tổ chức, thẩm quyền của từng cấp Tòa án; nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán, Hội thẩm đã có những thay đổi căn bản. Đặc biệt, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, đã thể chế hóa một bước những quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp cần được tiếp tục cụ thể hóa trong các luật tố tụng, trong đó có Luật tố tụng hành chính; đồng thời cần sửa đổi bổ sung quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác giải quyết xét xử các khiếu kiện hành chính, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để Tòa án nhân dân thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Với những lý do đó, việc ban hành Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) là hết sức cần thiết.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày khẳng định: Cơ bản tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật tố tụng hành chính, các quan điểm chỉ đạo, yêu cầu của việc xây dựng dự án Luật tố tụng hành chính được nêu trong Tờ trình. Dự thảo Luật có nhiều quy định mới, cụ thể hóa nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Tăng cường kỷ luật trong vấn đề tài chính Trong chiều 28/5, Quốc hội cũng đã thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Các đại biểu cũng đã đánh giá, phân tích nhận định về những mặt tích cực, hạn chế, tồn tại và có các đề xuất, kiến nghị cụ thể trong công tác quản lý, điều hành ngân sách nói chung, công tác quyết toán ngân sách nói riêng.
Về thu ngân sách nhà nước, các đại biểu đều đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của ngành Thuế, Hải quan, nên trong điều kiện hết sức khó khăn, chúng ta đã vượt thu ngân sách nhà nước. Mặt dù loại trừ một số khoản thu không có trong dự toán. Nhiều ý kiến cho rằng, tuy việc kiểm tra, thanh tra có tăng cường nhưng công tác quản lý thuế vẫn còn tình trạng thất thu, nợ thuế, trốn thuế, gian lận thuế xảy ra phổ biến.
Đối với vấn đề chi ngân sách, các đại biểu cho rằng, trong điều kiện ngân sách Trung ương không lớn nhưng chúng ta đã chi đầu tư xây dựng năm 2013 khá cao so với dự toán. Hầu hết các khoản chi ngân sách đều đạt và vượt kế hoạch, nhưng những khoản chi quan trọng thì không đạt dự toán, như: giáo dục – đào tạo, dạy nghề, khoa học công nghệ...
Đặc biệt, nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận là vấn đề bội chi ngân sách. Các đại biểu cho rằng, bội chi ngân sách năm 2013 đã vượt mức cho phép theo Nghị quyết 54/2013/QH13 ngày 12/11/2013 của Quốc hội. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng: Bội chi ngân sách là một vấn đề lớn, bởi con số vượt xa so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra. “Trong vấn đề này, có 3 điểm đáng chú ý: Thứ nhất, vấn đề kỷ luật tài chính trong bội chi, lúc đầu Nghị quyết của Quốc hội xác định là 4,8%, sau đó điều chỉnh lên 5,3%, nhưng trên thực tế chúng ta bội chi 6,6%. Như vậy, từ 4,8% lên 5,3%, vượt 0,5%, Quốc hội đã phải xem xét. Nhưng từ 5,3% lên 6,6%, thì đây là cả một vấn đề băn khoăn (con số, số liệu) đối với đại biểu Quốc hội. Thứ hai, vấn đề bộ chi là khả năng về chi trả, hoàn trả số lượng bội chi lớn như thế này. Thứ 3, là những hậu quả của nó, trong đó không chỉ hậu quả về mặt tài chính làm tăng nợ công, mà còn làm thất thoát lãng phí và vận hành bộ máy; đồng thời tạo lên một tiền lệ, thói quen trong việc quản lý, sử dụng ngân sách”, đại biểu Hùng phản ánh.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng kiến nghị: Trong kỳ họp này, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013, Chính phủ cần báo cáo thêm về vấn đề bội chi, làm rõ cơ sở pháp lý, danh mục cụ thể, chất lượng sử dụng bước đầu và hướng hoàn trả để Quốc hội có thêm cơ sở khi bấm nút thông qua. Mặt khác, cần tăng cường hơn nữa kỷ luật tài chính và đặc biệt là công khai, minh bạch về quản lý ngân sách nhà nước; đồng thời nâng cao tỷ lệ và chất lượng thực hiện các kiến nghị của kiểm toán. “Trước mắt xây dựng và ban hành quy định về việc công khai tình hình thực hiện các kiến nghị của kiểm toán nhà nước; đồng thời ban hành và thực hiện chế tài xử lý đối với những trường hợp chưa thực hiện nghiêm các kiến nghị của kiểm toán”, đại biểu Hùng nhấn mạnh.
Đồng tình với một số ý kiến khác, đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) đề nghị, khi đã đến ngưỡng, Chính phủ, Quốc hội cần phải áp dụng một chính sách quyết liệt để chấm dứt tình trạng bội chi ngân sách. Đại biểu cũng cho rằng, dự toán đã được công bố, thì kiên quyết không tăng thêm ngân sách cho bất kỳ ngành, địa phương nào, trừ trường hợp đặc biệt do chiến tranh hoặc bão lũ bất khả kháng.
Theo chương trình, sáng mai (29/5), các đại biểu thảo luận ở tổ về hai dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán và Luật phí, lệ phí.