Những năm qua, việc thực hiện các nội dung hợp tác giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, an sinh - xã hội. Việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được hai tỉnh, thành phố triển khai tốt; qua đó đã tham mưu giúp cấp ủy hai tỉnh, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, hai địa phương đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ nhau tham gia diễn đàn, hội thảo, hội nghị, tọa đàm, chương trình thường niên về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội kết nối đầu tư giữa các địa phương.
Từ năm 2015 đến nay, thành phố Hà Nội đã giới thiệu 87 doanh nghiệp về đầu tư tại Hà Nam, với tổng vốn đăng ký 10.900 tỷ đồng. Ngành Công Thương hai địa phương đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc nhằm mở rộng nguồn cung gia công bán thành phẩm, tận dụng và phát huy lợi thế sẵn có về nguyên liệu, mặt bằng, nhân công.
Ngành Nông nghiệp hai địa phương tăng cường trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, cùng hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ về công nghệ…; tổ chức được 15 đợt hội chợ/phiên chợ giới thiệu sản phẩm, 5 lượt đoàn tham quan, xúc tiến thương mại nhằm cung ứng sản phẩm vào thị trường Hà Nội.
Hệ thống giao thông vận tải giữa hai tỉnh, thành phố được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu về vận tải hàng hóa, hành khách từ Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại. Hai địa phương phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông có tính chất kết nối giữa Hà Nội - Hà Nam và các địa phương khác như: Tuyến đường vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội; tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính.
Trong giai đoạn 2015-2018, hợp tác giữa các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy có chuyển biến và đã triển khai các dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, bảo vệ môi trường trong lưu vực như: Dự án trồng rừng đầu nguồn sông Nhuệ - Đáy tại tỉnh Hòa Bình, mô hình xử lý môi trường làng nghề...
Tuy nhiên, kết quả hợp tác giữa hai tỉnh, thành phố còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về khoảng cách địa lý và thế mạnh từng địa phương. Việc hợp tác giữa hai địa phương trong một số lĩnh vực còn hạn chế; quy mô, mức độ hợp tác còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai bên.
Nhằm đẩy mạnh hợp tác giai đoạn 2019-2020 và những năm tới theo hướng toàn diện, hiệu quả, phát huy lợi thế, tiềm năng, cùng nhau phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung hợp tác trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, hai địa phương tăng cường hợp tác xúc tiến đầu tư, công thương, nông nghiệp, văn hóa, du lịch, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, môi trường và đảm bảo an ninh trật tự, an sinh - xã hội. Đặc biệt là tăng cường thông tin, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực là thế mạnh của mỗi địa phương để bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Dịp này, thành phố Hà Nội đã tặng tỉnh Hà Nam 3 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ an sinh - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.