Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Tờ trình của Chính phủ cho biết hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động của quản lý thị trường còn nhiều hạn chế, bất cập và là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của quản lý thị trường. Vì vậy, cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của quản lý thị trường để đáp ứng nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Dự thảo Pháp lệnh gồm 7 chương, 39 điều, quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, công chức của quản lý thị trường; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành công thương của quản lý thị trường đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại, công nghiệp và các lĩnh vực khác được cấp có thẩm quyền giao; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động của quản lý thị trường; bảo đảm điều kiện hoạt động của quản lý thị trường và chế độ, chính sách đối với công chức quản lý thị trường.
Dự thảo Pháp lệnh quy định quản lý thị trường có thẩm quyền kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại, công nghiệp trên thị trường. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở sản xuất hàng hóa có hành vi vi phạm hành chính hoặc có dấu hiệu vi phạm hành chính thì quản lý thị trường tiếp tục thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất, nơi cất giấu hàng hóa, tang vật vi phạm và xử lý vi phạm theo quy định. Quản lý thị trường được kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
Để công khai, minh bạch công tác kiểm tra của quản lý thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được kiểm tra, dự thảo đã quy định quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra. Quy định này nhằm hạn chế tiêu cực trong hoạt động kiểm tra của quản lý thị trường, cũng như ngăn chặn các vi phạm pháp luật khác trong quá trình kiểm tra.
Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành việc cần thiết ban hành Pháp lệnh quản lý thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân kinh doanh, lợi ích người tiêu dùng…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung thêm kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là những nước trong khu vực để học hỏi thêm kinh nghiệm trong công tác quản lý thị trường. Đối chiếu với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần rà soát lại để tránh chồng lấn, cũng như bỏ lọt lĩnh vực trong quản lý thị trường.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, bên cạnh quy định địa vị pháp lý, nguyên tắc tổ chức hoạt động, vị trí, chức năng… cần tính toán quy định về mô hình tổ chức của quản lý thị trường. Đại biểu Nguyễn Quốc Cường đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa lại tên gọi của pháp lệnh để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh.
Nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ việc quản lý, điều hành hoạt động của quản lý thị trường trong dự thảo pháp lệnh có gì khác so với quy định trong pháp luật hiện hành; việc thay đổi này mang lại những tác dụng gì; làm rõ cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành trong hoạt động quản lý thị trường…