Thông qua Luật Trưng cầu dân ý

Chiều 25/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trưng cầu ý dân, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.


Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đây là dự luật nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân và cử tri cả nước với những nội dung đề cao tính dân chủ, đảm bảo quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013. Đáng chú ý, dự thảo luật quy định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm kết quả trưng cầu ý dân.

Trước đó, trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, qua thảo luận có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa các vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân; bổ sung trưng cầu ý dân về các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về chiến tranh và hòa bình.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, những vấn đề mà đại biểu nêu như quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân đều đã nằm trong các quy định của Hiến pháp và như vậy là đã được thể hiện trong các nội dung trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Các nội dung khác thuộc phạm vi các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền quốc gia và kinh tế - xã hội.

Theo luật này, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước và vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước. Việc trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước.

Về chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, Luật quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân.

Theo dự luật, cuộc trưng cầu ý dân phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu mới hợp lệ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, trưng cầu ý dân là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của công dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Vì vậy, Luật này cần quy định thẩm quyền, trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; còn nội dung, hình thức và hệ quả pháp lý của việc giám sát thực hiện theo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

* Người bị tạm giam, tạm giữ được thực hiện quyền bầu cử

Cũng trong chiều 25/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Tạm giữ, tạm giam. Quy định mới đáng chú ý trong Luật vừa được thông qua là việc người bị tạm giam, tạm giữ được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định riêng về quyền, nghĩa vụ của hai nhóm đối tượng là người có tội và người chưa có tội. Ý kiến khác đề nghị không quy định về quyền bầu cử của người đang chờ thi hành án tử hình.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định tại Điều 29, 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, người đang bị tạm giam, tạm giữ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ.

Đối với người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Dự thảo luật đã quy định “người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND”. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định của dự thảo luật.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chuyển giao các Trại tạm giam thuộc Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh - Bộ Công an về Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý, bảo đảm tính độc lập của hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam với hoạt động điều tra.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là cơ quan có nhiệm vụ giúp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về công tác tạm giữ, tạm giam trên phạm vi cả nước. Riêng đối với 4 Trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay do Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an quản lý, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng tách các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an để tổ chức độc lập với cơ quan điều tra và giao cho 1 Phó Tổng cục trưởng không phải là thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, khám phá tội phạm, nhất là những tội phạm về an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, vừa đảm bảo độc lập của cơ sở giam giữ với các đơn vị điều tra của Bộ. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về công tác tạm giữ, tạm giam.

Đặc biệt, dự thảo Luật quy định rõ về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, đó là hành vi tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam.

Những hành vi như giam giữ người trái pháp luật; cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, thực hiện quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân cũng bị nghiêm cấm.

Cũng trong chiều 25/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật phí, lệ phí.

Quang Vũ (TTXVN)
Các bên liên quan tại Biển Đông cần tôn trọng luật pháp quốc tế
Các bên liên quan tại Biển Đông cần tôn trọng luật pháp quốc tế

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon đã hối thúc các bên liên quan kiềm chế và tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN