Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết quan trọng về việc thông qua Đề án di chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trụ sở cơ quan, đơn vị và một số điểm dân cư khu vực ven sông Trà Lý thuộc địa bàn thành phố Thái Bình để phát triển đô thị. Tổng kinh phí thực hiện đề án này dự kiến gần 4.000 tỷ đồng.
Theo đó, khu vực giáp hai bên sông Trà Lý, từ cầu Hòa Bình đến xã Vũ Đông thực hiện định hướng quy hoạch phát triển không gian đô thị hai bên sông Trà Lý. Đối tượng phải di chuyển gồm: 92 cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ; 8 cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp; 40 điểm bến bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng; 264 hộ gia đình, cá nhân...
Giai đoạn 1, từ năm 2022 đến hết quý II/2023, tỉnh Thái Bình di chuyển các cơ sở, sản xuất kinh doanh, trụ sở cơ quan, đơn vị và điểm dân cư thuộc phạm vi Đề án đoạn từ cầu Thái Bình đến sông Vĩnh Trà. Trong đó, có 8 đơn vị sản xuất kinh doanh và các cơ sở sản xuất thuộc phạm vi giai đoạn 2 có nhu cầu di dời trước khi có dự án đầu tư; 7 trụ sở cơ quan...
Giai đoạn 2, từ quý III/2023 đến năm 2025, tỉnh Thái Bình di chuyển các cơ sở sản kinh doanh, trụ sở cơ quan, đơn vị và điểm dân cư còn lại thuộc phạm vi Đề án.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, thành phố Thái Bình là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, an ninh, quốc phòng của tỉnh, với gồm 10 phường, 9 xã trải rộng trên hai bên sông Trà Lý. Trong quá trình hình thành và phát triển của thành phố Thái Bình, nhiều doanh nghiệp, cụm công nghiệp, bến bãi được bố trí, quy hoạch ven bờ sông Trà Lý để khai thác lợi thế về đất đai, vận tải thủy, đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh về mở rộng không gian đô thị; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, bến bãi hiện đang nằm trong khu vực trung tâm của thành phố; hệ thống hạ tầng về giao thông, xử lý nước thải, khí thải... trong khu vực thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với định hướng phát triển đô thị trong khu vực nội thành theo định hướng quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Bình đến năm 2035, nhìn đến 2050.
Để sớm thực hiện việc phát triển đô thị và kinh doanh thương mại, dịch vụ hai bên sông Trà Lý tạo động lực mới để phát triển thành phố Thái Bình trong giai đoạn 2021-2025, cần phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh di chuyển, ổn định sản xuất kinh doanh để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai đồng bộ các dự án phát triển đô thị và kinh doanh thương mại, dịch vụ hai bên sông Trà Lý theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Thái Bình lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020-2025; xây dựng thành phố Thái Bình xanh, hiện đại; trở thành đô thị loại I, trực thuộc tỉnh...
Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh Thái Bình đã thông qua 20 nghị quyết khác về công tác cán bộ, kinh tế - xã hội. Đây là những nghị quyết quan trọng, là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các cơ chế chính sách, các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, góp phần đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình giao thông kết nối trọng điểm, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.
Kỳ họp cũng đã tiến hành miễn nhiệm một ủy viên và bầu bổ sung một ủy viên UBND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.