Thái Bình di dời người dân đến nơi an toàn

Nhận định việc xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình và bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thái Bình, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm nội dung các công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại cống Trà Linh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình: Đến 15 giờ ngày 16/8, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có tổng số 1.239 tàu, thuyền với 3.608 ngư dân của tỉnh làm ăn trên biển. Trong đó, 52 phương tiện với 257 lao động neo đậu ở các bến ngoài tỉnh; 1.185 phương tiện với 3.332 lao động neo đậu tại các bến trong tỉnh, không còn phương tiện nào hoạt động ven biển Thái Bình.

Hiện còn 2 phương tiện với 19 lao động đang hoạt động trên vùng biển tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình; 27 phương tiện với 118 lao động ở tỉnh khác vào địa bàn tỉnh Thái Bình tránh trú bão. Hiện nay, tất cả các chủ phương tiện, người lao động nói trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm.

Tỉnh Thái Bình cũng đã di dời được 893 phương tiện với 1.907 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện Thái Thuỵ, Tiền Hải, Hưng Hà, vào nơi an toàn. Di dời được 506 phương tiện với 15.249 người cần di dời ngoài đê chính vào trong đê chính; di dời được 590 phương tiện với 17.236 người sống trong nhà yếu, cần di dời đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ. Các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai công việc di dời này. Đến 16 giờ cùng ngày, toàn tỉnh đã di dời xong các lao động trên chòi ngao vào bờ.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, tranh thủ mở các cống tiêu nước, đặc biệt là cống Trà Linh, cống Lân để hạ mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống, kịp thời tiêu nước đệm, phòng chống úng ngập do mưa lớn và hoàn lưu sau bão.

Hai công ty trên đã phối hợp với UBND huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo tập trung lực lượng khơi thông dòng chảy trên hệ thống kênh mương nội đồng, các sông trục và bằng mọi biện pháp tiêu nước triệt để trên mặt ruộng, các trục sông tiêu để tiêu nước đệm nội đồng, kiểm tra hoạt động các trạm bơm để sẵn sàng phục vụ tiêu úng khi có mưa lớn, gây ngập úng lúa, hoa màu và các khu vực trũng, thấp.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Từ đêm 16/8, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão, từ tối 16/8, trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 6-7, từ đêm tăng lên cấp 8, giật cấp 10. Riêng các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11...

Nguyễn Công Hải (TTXVN)
Yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân khi bão số 4 đổ bộ vào Thanh Hoá
Yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân khi bão số 4 đổ bộ vào Thanh Hoá

Chiều 16/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại tỉnh Thanh Hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN