Tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị, địa phương sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết trên địa bàn tỉnh có 3.868 phương tiện, với 18.189 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Đến chiều 16/8 có 3.672 phương tiện, với 16.589 lao động đã về neo đậu tại bến. Tại Nghệ An cũng có 47 phương tiện, với 260 lao động của các tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa đánh bắt hải sản trên biển đang neo đậu tại các bến ở Nghệ An.
Hiện nay các phương tiện đánh bắt hải sản trên biển của tỉnh Nghệ An đã nhận được thông tin về vị trí, hướng di chuyển của bão số 4.
Khẩn trương xử lý điểm xung yếu mới phát sinh tại chân đê sông Hữu Bùi
Để chủ động ứng phó với bão số 4, đặc biệt trước diễn biến của nước sông Hữu Bùi có thể dâng cao, ảnh hưởng ngập lụt đến nhiều xã của huyện Chương Mỹ (Hà Nội), sáng 16/8, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng đã cùng các đơn vị chuyên môn của huyện tiến hành kiểm tra những vị trí bộc lộ xung yếu trong trận mưa ngập vừa qua và đã phát hiện sự cố sạt lở, xói chân đê Hữu Bùi (đoạn Yên Trình - Nhân Lý, thuộc xã Hoàng Văn Thụ), dài 22m, rộng 2m.
Ngay sau đó, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan có biện pháp khắc phục kịp thời, dự kiến sẽ xử lý xong ngay trong tối cùng ngày. Cụ thể, để xử lý sự cố này, huyện tiến hành rọ đá ở ngoài hộ chân với chiều rộng khoảng 1m và bơm bê tông có phụ gia đông kết nhanh vào lấp đầy toàn bộ 22m đê xung yếu.
Huyện Chương Mỹ đã yêu cầu các đơn vị liên quan trực 24/24 giờ với 100% quân số, chủ động ứng phó với những trận mưa lớn có thể xảy ra trong đêm 16 và rạng sáng 17/8, thực hiện phương án “4 tại chỗ” để bảo vệ an toàn đê Tả Bùi. Theo ông Đinh Mạnh Hùng, hiện mực nước sông Bùi đang ở mức 4,3m - dưới báo động lũ cấp 1 là 1,7m. Huyện vẫn tăng cường kiểm tra đê, nếu phát sinh các điểm xung yếu khác sẽ có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời.
Để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mưa lũ có thể xẩy ra trên địa bàn thành phố do ảnh hưởng của bão số 4, nhất là công tác đảm bảo an toàn các công trình nhà ở, công sở, công trình xây dựng, ngày 16/8, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện Công điện số 04/CĐ- BCH của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội.
Theo đó, chủ đầu tư các dự án đầu tư trên địa bàn phải khẩn trương rà soát và xây dựng kế hoạch, các phương án phòng chống lụt bão cụ thể, chi tiết, sát với yêu cầu thực tiễn trên công trường; theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến mưa, bão, lũ để kịp thời kiểm tra, bổ sung phương án khả thi, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) và Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện các khiếm khuyết của công trình đang sử dụng để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Đối với các công trình nhà ở cao tầng có tầng hầm phải có biện pháp chống ngập tầng hầm; rà soát lại hoạt động của các máy móc, thiết bị nhằm đảm bảo cho việc bơm tiêu nước trong tầng hầm, công tác an toàn sử dụng điện cũng như đảm bảo phòng cháy chữa cháy trong tầng hầm.
Theo chỉ đạo của Sở Xây dựng Hà Nội, Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở phối hợp, đôn đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội có phương án phòng chống và chuẩn bị địa điểm di chuyển nhân dân khi công trình nhà ở xuất hiện tình trạng nguy hiểm do bão số 4 gây ra.
Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Hà Nội đôn đốc nhà thầu có phương án đảm bảo an toàn vật tư, vật liệu, nhà kho, các sản phẩm, bán thành phẩm xây dựng và vật liệu xây dựng dễ hư hỏng; có phương án cụ thể cho công trình đang thi công và phải chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng nhân lực, phương tiện và thiết bị vật tư phòng chống mưa bão, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ". Đồng thời kiểm tra toàn bộ các thiết bị làm việc trên cao; gia cố các thiết bị như: giàn giáo thi công, máy vận thăng… đảm bảo ổn định, liên kết chắc chắn với kết cấu công trình.
Đối với các công trình sử dụng cần trục tháp yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố; đặc biệt lưu ý công tác đảm bảo an toàn điện, an toàn thiết bị và máy thi công. Đối với các công trình đang thi công phần ngầm, các công trình hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống cấp thoát nước, thi công nền đất, tường chắn, tầng hầm… nhà thầu cần có biện pháp thi công phù hợp đảm bảo an toàn thi công.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện và thị xã triển khai công tác ứng phó, đảm bảo vệ sinh môi trường đối với các khu vực có nguy cơ cao bị ngập úng; đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường và đảm bảo vệ sinh môi trường mùa mưa bão; rà soát các khu vực thấp trũng, có nguy cơ ngập lụt; các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của mưa lũ.
Bên cạnh đó tiến hành thu gom toàn bộ lượng rác thải phát sinh hàng ngày đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất việc tồn đọng rác thải tại các khu dân cư, các điểm tập kết rác thải đối với các khu vực thấp trũng có nguy cơ úng ngập, ngập lụt. Trong trường hợp rác thải bị tồn đọng chưa vận chuyển trên khu xử lý tập trung của thành phố, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo đơn vị thu gom, vận chuyển vào điểm tập kết tạm thời, có biện pháp che chắn, thường xuyên phun chế phẩm khử mùi, diệt ruồi, muỗi đảm bảo vệ sinh, tránh gây ô nhiễm môi trường…