Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Đức Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, ngày 14/8/2018, UBND tỉnh đã có Công điện số 13/CĐ-UBND; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng có văn bản gửi các ngành, địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống bão số 4.
Theo đó, trên các tuyến biển, số lượng tàu đánh bắt xa bờ là 613 chiếc, đã nhận được thông tin về hướng di chuyển của bão và không nằm trên đường đi của bão. Một số tàu đang chạy từ ngư trường về bờ, Chi cục Thủy sản vẫn đang tiếp tục thông tin, đôn đốc, dự kiến đêm nay (16/8) sẽ cập cảng.
Về tàu du lịch, theo báo cáo của cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa, hiện nay có 484 tàu du lịch đang hoạt động (168 tàu lưu trú, 316 tàu chạy tiếng). Thời gian tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi từ 6 giờ ngày 16/8/2018. Các tàu sẽ về nơi tránh trú tại các vị trí trên địa bàn thành phố Hạ Long (Nhà máy đóng tàu Hạ Long, Cảng Hải Quân, vụng Bồ Nâu, Cảng Việt Hưng...).
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long thông tin thêm, tổng số khách du lịch lưu trú trên địa bàn huyện đến 12 giờ ngày 16/8 còn 100 người (thị trấn Cô Tô 88 người, xã Đồng Tiến 12 người, có 2 khách nước ngoài). Tất cả khách du lịch đã được thông tin về bão số 4 và khuyến cáo các biện pháp an toàn, hỗ trợ khi cần thiết.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đang tích cực huy động lực lượng hàng trăm cán bộ chiến sĩ, phương tiện hiện đại ứng trực tại đơn vị, sẵn sàng triển khai khi có yêu cầu.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, tuy bão số 4 không vào trực tiếp nhưng có chiều hướng di chuyển phức tạp, phạm vi đới bờ rộng, gây mưa to đến rất to trên diện rộng. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý tỉnh tăng cường rà soát, ứng trực thường xuyên tại các điểm hồ, đập xung yếu, để có giải pháp đảm bảo an toàn. Đối với các công trình trình điểm đang thi công, nếu cần thiết phải ngừng thi công để đảm bảo an toàn.
Về các công trình thủy lợi, đê điều, cần nhanh chóng hạ mực nước các hồ chứa để chủ động đón lũ. Tại các điểm đê xung yếu, phải nhanh chóng gia cố, không vì triều cường đang ở mức thấp mà chủ quan. Tại các điểm khai thác than, bãi tập kết, bãi thải… tăng cường người canh gác cảnh báo kịp thời các sự cố. Tại các xã huyện miền núi, cần nhanh chóng di dời các hộ dân đến nơi an toàn nếu khu vực có biến động bất thường. Hoạt động kinh tế du lịch trên biển cần phải kiên quyết rà soát lại, tránh để tình trạng còn tàu hoạt động trong vùng bão đi qua.
Sau khi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã cùng đoàn công tác đi kiểm tra tuyến đê xung yếu Hà Nam (thuộc thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Đây là tuyến đê biển cấp III với chiều dài 33,67km, có vị trí xung yếu, bảo vệ cho hơn 5 nghìn héc ta hoa màu và hơn 6 vạn dân ở 8 xã phường thuộc thị xã Quảng Yên. Đây là công trình trọng điểm được Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh quan tâm đầu tư nâng cấp từ băn 2006 đến nay.
Trong thời gian qua, đê Hà Nam được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp, cải tạo một số đoạn, làm mới tường chắn sóng; kiên cố hóa mái phía sông; chân đê được gia cố bằng lăng thể đá hộc; mái phía đồng được gia cố bằng khung bê tông.
Tính đến 12 giờ ngày 16/8, bão số 4 đã mạnh thêm, ở đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 10, giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, từ đêm 16/8, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa bão, gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Ở huyện đảo Bạch Long Vĩ gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; huyện đảo Cô Tô gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Sóng biển trên vịnh Bắc Bộ cao từ 4-6m, biển động rất mạnh.