Tăng thu nhập nông dân sẽ là tiêu chí chính để xây dựng nông thôn mới

Theo đa số các đại biểu, để xây dựng nông thôn mới các địa phương nên tập trung thay đổi phương thức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên sâu để tăng thu nhập cho nông dân.

Tại phiên thảo luận ngày 4/11 về chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, các địa phương nên tập trung thay đổi phương thức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên sâu để tăng thu nhập cho nông dân, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào dịch vụ và hạ tầng nông nghiệp nông thôn.

 Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết: “Nông thôn đang bị “tắc” 3 vấn đề. Thứ nhất là tìm thị trường tiêu thụ cho nông sản chưa có cách làm bài bản. Thứ hai là công nghệ cao trong nông nghiệp, đặc biệt trong các khâu giống, chế biến sâu nông sản còn hạn chế. Thứ ba là hình thái tổ chức sản xuất manh mún, siêu nhỏ. Hầu hết các hợp tác xã nhỏ, công nghệ lạc hậu, có xã không có hợp tác xã, không quản lý được vật tư nông nghiệp”.

Cùng quan điểm này, đại biểu Lại Xuân Môn (Bạc Liêu), Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam cho rằng: “Xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương còn nóng vội, chạy theo thành tích đủ 19 tiêu chí, còn chất lượng ra sao thì ít được quan tâm. Một số nơi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nhưng không thay đổi về hình thức sản xuất, tái cơ cấu chưa tạo ra sự tăng trưởng bền vững, nông thôn thiếu các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đời sống nông dân còn khó khăn”.

Do vậy, theo ông Môn, xây dựng nông thôn mới phải chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo ra sinh kế mới. Tổ chức lại sản xuất, tích tụ ruộng đất, gắn liên kết sản xuất với thị trường, cơ giới hóa trong nông nghiệp. Thứ hai là tập trung vào khoa học công nghệ, đầu tư cho các cơ sở khoa học nông nghiệp để dẫn dắt nền nông nghiệp, tạo ra các loại giống đồng nhất và chất lượng cao. Thứ ba là tăng vốn đầu tư cho hai lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: TTXVN



 Giải đáp ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Cần có một Nghị quyết chuyên đề trên tinh thần kết quả giám sát của Quốc hội, để các cấp từ trung ương xuống địa phương đề ra các giải pháp, nhiệm vụ. Thứ hai là xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước mà Đảng, Chính phủ đang triển khai. Thứ ba là tập trung nguồn lực để công nghiệp hóa nông thôn”.

Ngoài ra, theo ông Cường, nông nghiệp vẫn còn dư địa phát triển nếu biết phát huy lợi thế hội nhập và tăng tính cạnh tranh. Do vậy, phải nhìn nhận lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là khu vực tiềm năng để đầu tư nên cần nguồn lực xứng đáng để đầu tư.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, một số tiêu chí đưa ra bất hợp lý gây lãng phí như tiêu chí về chợ, trung tâm bưu điện. Không ít chợ xây xong đã lãng phí trong lúc đó lại thiếu tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, đặc biệt là các nhà văn hóa ở từng thôn, bản.  

Về việc này, ông Cường cho biết: “Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội và ý kiến từ cơ sở ... để trình sửa bộ tiêu chí trên quan điểm xác định các nhóm tiêu chí cứng, trong đó, việc tập trung đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập nông dân nông thôn, xử lý các vấn đề môi trường, tệ nạn... được coi là các tiêu chí chính. Còn các thiết chế hạ tầng như: trường, trạm, điện, chợ, nhà văn hóa... sẽ căn cứ theo từng vùng. Ngoài ra, Chính phủ cũng quyết định trình Quốc hội dành 25.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các ngân hàng nông nghiệp huy động ít nhất 1 triệu tỷ đồng cho khu vực nông nghiệp“.   

Giải đáp thắc mắc của các đại biểu Quốc hội về nợ đọng xây dựng cơ bản, ông Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: “Một số khu vực có nợ đọng, huy động quá sức dân. Tuy nhiên, có những nơi khi được giám sát có số nợ đọng cao, thậm chí có tỉnh nợ hơn 1.000 tỷ đồng, nguyên nhân là vì giai đoạn cuối năm 2015, khi phong trào xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ phát triển cao, đang trong giai đoạn hoàn thiện các công trình. Đến nay, các tỉnh này đã giải quyết một phần rất lớn nợ đọng. Con số nợ đọng chính thức chỉ còn 12.000 tỷ đồng. Riêng Bắc Ninh nợ 1.600 tỷ đồng đã cơ bản giải quyết xong. Lạng Sơn, Thanh Hóa, Thái Bình… cũng đã dành tiền bố trí giải quyết nợ đọng”.

H.V
Trên 15.000 tỷ đồng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới
Trên 15.000 tỷ đồng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới

Các đại biểu Quốc hội rất lo ngại về tình trạng nhiều xã chạy theo thành tích để xây dựng nông thôn mới dẫn tới nợ đọng xây dựng cơ bản lên tới 15.000 tỷ đồng. Đặc biệt một số xã đã mất khả năng thanh toán tiền nợ đọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN