Qua 10 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ; tạo sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân về vai trò, vị thế của người phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, trách nhiệm của một số tổ chức ủy đảng, người đứng đầu một số địa phương chưa đạt được mục tiêu của Nghị quyết. Bên cạnh đó, định kiến về giới là vấn đề còn tồn tại, gây trở ngại cho việc tạo cơ hội bình đẳng thực chất cho phụ nữ; hệ thống pháp luật có tiến bộ song một số quy định về bình đẳng giới còn chung chung, chưa đi vào thực tế.
Đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, trong các giai đoạn tiếp theo cần tăng cường tạo cơ hội cho nhóm phụ nữ trẻ phát triển, đặc biệt là các doanh nhân trẻ, các nhà khoa học, cán bộ chuyên môn nữ, sinh viên nữ có thành tích xuất sắc và nhóm phụ nữ khó khăn như: phụ nữ nghèo, khuyết tật, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ bị nhiễm HIV/AIDS…
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW. Theo đó, trong điều kiện Bộ luật Lao động và Luật Cán bộ, công chức không có thay đổi, các đại biểu thống nhất đề xuất tới năm 2020 kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 60 tuổi cho cán bộ nữ cấp Tổng cục trưởng, Tổng cục Phó, Vụ trưởng và tương đương; từ năm 2025 - 2030 tùy theo điều kiện có thể nghiên cứu mở rộng tiếp tục đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu với cán bộ nữ cấp Vụ phó, Giám đốc Sở và tương đương; đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia các khoá đào tạo tại các trường chính trị - quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên; cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt 25% trở lên; chuẩn bị nguồn cán bộ nữ để đạt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 từ 35-40%; các cơ quan đơn vị có tỷ lệ nữ 30% trở lên nhất thiết có cán bộ chủ chốt là nữ….
Việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết; phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về cán bộ nữ, việc làm bền vững của phụ nữ, trong đó chú trọng phụ nữ khu vực nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số; phấn đấu đến năm 2030 thực hiện các chỉ tiêu về công tác phụ nữ, bình đẳng giới đã được phê duyệt trong các văn bản của Đảng và trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Chính phủ; thực hiện cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực.
Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khoá X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” là văn kiện chính trị quan trọng của Đảng trong công tác phụ nữ. Lần đầu tiên Trung ương Đảng có một văn bản chỉ đạo chuyên đề dài hạn, với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, toàn diện cho công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.