Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên lưu ý, năm 2022, Tổng cục cần sớm tập trung sửa đổi, xây dựng Luật Khoáng sản phù hợp với tình hình mới; tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Tổng cục với các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản...
Đơn vị cần thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ các vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ, tập trung lực lượng có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật, chuyên môn để triển khai ngay từ đầu năm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực địa chất, khoáng sản
Năm 2021, Tổng cục đã hoàn thành Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản, hiện nay Tổng cục đang chuẩn bị Lập hồ sơ đề nghị dự án xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi, bổ sung) để Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt trong năm 2022. Trong đó, nhiệm vụ lập báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng dự thảo trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 02/NQ-TW.
Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Nguyên, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Quy định về thuế tài nguyên; thuế xuất khẩu... chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị tiên tiến để thu hồi tối đa, sử dụng tổng hợp, hợp lý, tiết kiệm khoáng sản khi khai thác, chế biến; chưa có quy định cụ thể việc hạch toán các chi phí phục hồi môi trường; hỗ trợ xây dựng, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật do hoạt động khoáng sản gây ra.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và đi đến chấm dứt hoạt động khai thác trái phép. Đến nay, tình trạng này đã giảm cả về số lượng địa phương có hoạt động khai thác trái phép cũng như số lượng các khoáng sản bị khai thác trái phép. Tuy nhiên, khai thác trái phép khoáng sản, nhất là cát, sỏi lòng sông vẫn còn phức tạp ở nhiều địa phương, dù đã giảm nhưng vẫn có nguy cơ tái diễn. Còn nhiều doanh nghiệp khai thác không thực hiện nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình khai thác và khi kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ) gây tác động xấu về môi trường và cả về kinh tế - xã hội.
Trong năm 2021, một số nhiệm vụ gặp không ít khó khăn như: đề án điều tra đánh giá địa chất thi công thực địa; công tác kiểm tra, hướng dẫn thi công đề án; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; một số hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản chưa thể tiến hành; công tác thẩm định, cấp phép khoáng sản; kiểm tra công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở các địa phương... do tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.
Theo đó, Tổng cục đã tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ trong việc xử lý các vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân liên quan đến lĩnh vực địa chất và khoáng sản nhằm hoàn thành tốt mục tiêu nhiệm vụ; thường xuyên rà soát, kịp thời chấn chỉnh và đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Hoàn thiện xây dựng Chiến lược khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Nguyên cho biết, năm 2022, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ triển khai xây dựng và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 02/NQTW.
Cùng với đó, Tổng cục sẽ lập hồ sơ đề nghị dự án xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi, bổ sung) để Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt; hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành công tác khoanh định và trình Thủ tướng phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản Quốc gia; đẩy mạnh công tác đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; triển khai các nhiệm vụ theo Quy hoạch 1388/QĐ-TTg về điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; công tác thanh tra, kiểm tra công tác tính, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của địa phương.
Đồng thời, Tổng cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện, trình Bộ trưởng ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 51/2015/TT-BTNMT ngày 26/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn một số nội dung thanh tra chuyên ngành khoáng sản và Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật công tác địa vật lý; công tác khai đào công trình và lấy mẫu tại các công trình khai đào trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; công tác gia công mẫu, phân tích mẫu.
Tại hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu, Tổng cục thực hiện tốt công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản, hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản; rà soát, thẩm định để cấp phép đúng quy trình, quy định của pháp luật; nghiên cứu, xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dự liệu hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường; tập trung rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Bộ xử lý, thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các đơn vị có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về khoáng sản.