Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với cơ cấu lại lao động

Qua đại dịch COVID-19, càng thấy rõ việc tái cơ cấu nền kinh tế là điều cần làm. Đặc biệt, cần phải quan tâm hơn nữa đến thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng nghề của người lao động, để không chỉ đồng hành, mà cần chủ động hội nhập với các thị trường khác. Có như vậy, kế hoạch cơ cấu mới đạt được hiệu quả và thực chất.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Ngọc Quý phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Cơ cấu lại thị trường lao động

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, khẳng định báo cáo toàn diện trên nhiều mặt, nhìn nhận thẳng thắn những thành quả, hạn chế, yếu kém, thách thức và có nhiều thông tin chi tiết, có so sánh đánh giá với nhận định của các tổ chức quốc tế lớn để thấy được chúng ta đang ở đâu trong từng lĩnh vực, từng thị trường của nền kinh tế.

Theo đại biểu Đinh Ngọc Quý, về quản trị thị trường lao động, qua đại dịch vừa qua, chúng ta cần đưa ra những vấn đề gì, rút kinh nghiệm những vấn đề gì để bổ sung vào kế hoạch, nhằm định hướng thị trường lao động chủ động hơn, ứng phó với những tác động khác của thị trường trong tương lai, chứ không phải chỉ là dịch bệnh.

Muốn làm được điều này, đại biểu Đinh Ngọc Quý cho rằng, phương pháp tiếp cận của phía cơ quan quản lý Nhà nước phải có sự điều chỉnh so với trước đây.

“Cần phải có một cơ sở dữ liệu tốt hơn. Theo quan điểm của tôi, việc kết nối liên thông thị trường lao động phải được điều chỉnh về mặt thời điểm thực hiện so với Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động, thì mới hỗ trợ được cho công tác này. Theo quy định này, đến năm 2026 chúng ta mới kết nối liên thông được cơ sở dữ liệu. Nếu không đẩy sớm lên, chúng ta sẽ đi chậm hơn so với thị trường”, đại biểu Đinh Ngọc Quý nêu ý kiến.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn đề phát triển thị trường lao động, cơ cấu lại thị trường lao động cần phải được chú ý hơn, không chỉ phải trên những chỉ số, mục tiêu khái quát, mà còn phải thay đổi về chất thực sự để khắc phục được những hạn chế hiện nay.

Qua phân tích của các đại biểu Quốc hội, hiệu suất về sử dụng lao động giai đoạn vừa qua có cải thiện, nhưng không nhiều, năng suất lao động có tốc độ tăng đạt kế hoạch nhưng giá trị tuyệt đối không cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2021 đạt khoảng 67%, nhưng tỷ lệ đào tạo sơ cấp chiếm tỷ trọng cao. Tỷ lệ đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới chỉ ở mức 26,1% tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, nếu trừ đi trình độ đại học ra thì các trình độ khác như sơ cấp, cao đẳng, trung cấp đều ở mức dưới 5%. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động phi chính thức còn cao, đây là khu vực được đánh giá yếu nhất về kỹ năng nghề.

Đại biểu Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Bên cạnh nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025 thì cần phải tập trung tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc do sai phạm ở thời kỳ trước, nhằm khơi thông điểm nghẽn, bổ sung thêm nguồn lực cho sự phát triển giai đoạn tới”.

Coi kinh tế số là động lực tăng trưởng  

Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất, trước mắt, ưu tiên thực hiện cơ cấu lại từng lĩnh vực kinh tế, ngành kinh tế để nâng cao khả năng “đề kháng”, vượt qua khó khăn và khôi phục phát triển cho bản thân các lĩnh vực, ngành kinh tế đó. Việc cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển mạng lưới doanh nghiệp sản xuất cần phải gắn với phân bổ lực lao động, nhất là trong xu hướng dịch chuyển người lao động do dịch bệnh vừa qua.  

Bên cạnh đó, cần quan tâm có lộ trình cụ thể và giải pháp quyết liệt hơn trong triển khai các nhiệm vụ có tác động lớn như hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn chồng chéo, bất cập của hệ thống pháp luật và các văn bản dưới luật (theo các báo cáo của Chính phủ, kết quả rà soát kiến nghị của 63 tỉnh thành cho thấy những vướng mắc, khó khăn đầu tư, sản xuất, kinh doanh do các quy định pháp luật chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế liên quan đến 79 luật, 3 Nghị quyết của Quốc hội, 188 Nghị định, 20 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 135 Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ).

Đại biểu Đinh Ngọc Quý chỉ ra rằng, kinh tế số là một trong những động lực tăng trưởng trong thập kỷ tới, tuy nhiên hiện nay, kỹ năng số trong lao động hiện tại của chúng ta đang xếp ở cuối bảng ở khu vực.

Các chuyên gia quốc tế đã đánh giá, nền kinh tế Việt Nam hưởng lợi từ quá trình số hóa nhanh chóng đến mức độ nào thì phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của thị trường lao động. Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và các bộ ngành cần quan tâm đầu tư hơn, chú trọng hơn đến các biện pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, phản ánh được cơ cấu lại thị trường lao động về chất lượng, tận dụng những năm còn lại của cơ hội dân số vàng chỉ đến với mỗi quốc gia một lần, và chúng ta chỉ còn lại khoảng 20 năm cho dư lợi dân số này.

Đồng thời, tận dụng được lợi thế của vốn nhân lực hiện đang ở mức khoảng 0,68 đến 0,69 cao hơn mức trung bình của thế giới cũng như trong khu vực, không chỉ để khắc phục những hạn chế hiện nay mà còn bù đắp cho lực lượng lao động sụt giảm và già hóa dân số tăng nhanh.

Đại biểu Trần Chí Cường, đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng hiến kế: “Cần tập trung quan tâm nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn việc phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng tính chủ động, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm của địa phương đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý trách nhiệm cá nhân nhưng cũng tạo ra cơ chế, điều kiện để cán bộ dám tham mưu, đề xuất. Lãnh đạo dám quyết định và chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cần đẩy mạnh và phát huy liên kết vùng, gắn với thể chế điều phối vùng rõ ràng để sự liên kết có hiệu quả và thực chất hơn, phát huy được yếu tố bổ trợ lẫn nhau giữa các địa phương liên kết; đây là vấn đề chưa được phát huy hiệu quả, nhất là trong thực hiện phòng chống dịch bệnh và duy trì hoạt động kinh tế trong thời gian vừa qua”.

Chú thích ảnh
Viết Tôn/Báo Tin tức
Quốc hội: Đợt họp trực tuyến đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả, đổi mới
Quốc hội: Đợt họp trực tuyến đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả, đổi mới

Đợt 1 của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV với hình thức trực tuyến đã diễn ra an toàn, chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN