Sửa đổi luật để khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển KT-XH

Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 4-11/1/2022. Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và thông qua Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật, trong đó có Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Chú thích ảnh
 Đại biểu Ngô Hoàng Ngân, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, tham gia đóng góp ý kiến. 

Theo Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà, quá trình nghiên cứu dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp cho thấy các nội dung sửa đổi, bổ sung đã được chuẩn bị, xem xét khá kỹ lưỡng, tương đối toàn diện và cũng đã chỉ rõ những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vấn đề lựa chọn là những vẫn đề then chốt, cần thiết cần rà soát, sửa đổi. Các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng, cụ thể, làm rõ những vấn đề còn bất cập từ thực tiễn triển khai, đặc biệt những vấn đề còn quan điểm khác nhau đã được thảo luận, tranh luận rất sôi nổi, thẳng thắn để Quốc hội xem xét, cân nhắc nhiều mặt để có phương án tối ưu nhất, bảo đảm tính sát thực trước khi thông qua.

Việc xây dựng, ban hành Luật lần này rất có ý nghĩa, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt việc phân cấp quản lý giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, vừa giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, khắc phục được việc chậm giải ngân thời gian qua, qua đó thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Riêng với tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2013, trong khi khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác “công - tư” (PPP) chưa đầy đủ và đồng bộ, tỉnh đã mạnh dạn nghiên cứu và ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 5/12/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thí điểm áp dụng hình thức đầu tư PPP với các mô hình “đầu tư công - quản lý tư” và “đầu tư tư - sử dụng công”. Nhờ đó, giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh đã huy động, thực hiện đầu tư 29 dự án theo hình thức PPP, với tổng nguồn vốn trên 46.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP khoảng 5.163 tỷ đồng, chiếm 11%. Như vậy, cứ một đồng ngân sách Nhà nước bỏ ra, có thể huy động được 8-9 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Đặc biệt trong năm 2021, trong bối cảnh cả nước tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19, Quảng Ninh vẫn là điểm sáng thu hút đầu tư của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, khi hồi tháng 10/2021, tỉnh đã khởi công, khởi động 4 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 280.000 tỷ đồng. 

Chú thích ảnh
Tại điểm cầu Quảng Ninh có 3 đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến. 

Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh khẳng định, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo hình thức công tư được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ngày 18/6/2020 đã tạo hành lang pháp lý vô cùng thuận lợi, lan tỏa niềm tin để các nhà đầu tư lớn mạnh dạn thực hiện các dự án mang tính đột phá, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, thực tế triển khai Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo hình thức công tư thời gian qua còn một số bất cập khi chưa mạnh dạn phân quyền cho các địa phương thực hiện một số nội dung cụ thể đang là điểm nghẽn gây khó khăn đối với các nhà đầu tư.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh thống nhất cao với nội dung Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra và dự thảo Nghị quyết các nội dung sửa đổi 8 luật lần này, trong đó việc sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là những nội dung mang tính đột phá, đảm bảo tính kịp thời, tạo ra cơ hội mở, giải quyết các điểm nghẽn, trùng chéo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. 

Liên quan đến thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Ngô Hoàng Ngân nhất trí với nội dung trình của Chính phủ vì Quy định này sẽ giúp tăng cường tính chủ động cho các địa phương, rút ngắn các thủ tục hành chính và thời gian thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đầu tư với một số quy định pháp luật hiện hành liên quan, tạo thuận lợi cho quá trình triển khai các dự án.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đồng tình thống nhất theo hướng quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với “dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh đối với dự án thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích. 

Theo bà Hà, các dự án không tác động đến vùng lõi của di sản. Bên cạnh đó, theo khoản 3, Điều 32 Luật Di sản Văn hóa có quy định cụ thể nội dung quản lý vùng bảo vệ I và II, trong đó, xây dựng các công trình bảo vệ, phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của UBND và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà không yêu cầu phải có chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, nên phân cấp cho địa phương quản lý vừa đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư, rút ngắn quy trình thủ tục, nâng cao trách nhiệm của công đồng dân cư địa phương.

Chú thích ảnh
Đại biểu Thích Thanh Quyết đóng góp ý kiến vào sửa đổi Luật Đầu tư.

Đồng tình với nội dung này, theo đại biểu Thích Thanh Quyết, thực tế, Công ước của UNESCO về bảo vệ các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới, mỗi quốc gia tự cân nhắc việc thiết lập, áp dụng biện pháp bảo vệ đối với vùng đệm. Trường hợp nếu rà soát thấy vướng mắc với Hướng dẫn Công ước 1972 của UNESCO về di sản thiên nhiên được quốc tế công nhận thì nên tách riêng các dự án thuộc phạm vi “khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới” thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, còn các trường hợp thuộc khu vực bảo vệ II khác vẫn nên phân cấp cho các địa phương quyết định. 

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị cùng với tăng cường phân cấp, giao quyền cho người đứng đầu các bộ, ngành và HĐND cấp tỉnh, cần quy định cụ thể đối với các chủ thể này để đảm bảo tính hiệu quả, sử dụng các nguồn lực, tính tuân thủ công khai minh bạch khi tổ chức thực hiện; đồng thời có sự phân quyền đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Như vậy, sau khi luật được thông qua và đưa vào cuộc sống, Chính phủ cần sớm ban hành quy định nêu rõ trách nhiệm của các chủ thể được giao, phân quyền; tăng nội dung, thời lượng của điều luật trong cơ chế kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật, nhằm hạn chế tối đa việc đầu cơ, trục lợi chính sách.

Tin, ảnh: Văn Đức (TTXVN)
Ngày 10/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án một luật sửa nhiều luật
Ngày 10/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án một luật sửa nhiều luật

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 10/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN