Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Cần sớm làm rõ sai phạm trong vụ việc 'Tịnh thất Bồng Lai'

Bên hành lang Quốc hội sáng 7/1, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV đã chia sẻ, mong muốn cơ quan pháp luật sớm làm rõ những sai phạm trong vụ việc "Tịnh thất Bồng Lai".

Chú thích ảnh
 Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV.

Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khóa XV, việc xử lý nghiêm những sai phạm trong vụ việc "Tịnh thất Bồng Lai" sẽ góp phần định hướng về nhận thức, về môi trường trong lành cho các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, đồng thời tránh những tiêu cực, sai sót không đáng có trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo.

"Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; luôn tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia đời sống tôn giáo. Tuy nhiên, sự tôn trọng của chúng ta trên cơ sở những người tham gia tín ngưỡng tôn giáo cũng phải tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm quy định của các tôn giáo, đồng thời tôn trọng các tôn giáo khác và cộng động khác có liên quan. Vụ việc "Tịnh thất Bồng Lai" khiến chúng ta phải nghĩ nhiều hơn đến câu chuyện làm thế nào để làm lành mạnh hơn đời sống tôn giáo tín ngưỡng; làm sao để mọi người dân nhận thức đúng và đẩy đủ hơn về tín ngưỡng tôn giáo, đặc biệt là vai trò của tin ngưỡng tôn giáo trong việc phát triển văn hóa, trong định hướng phát triển đạo đức con người”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, phải hết sức tôn trọng cách thức làm việc của các cơ quan chức năng, vì khi sự việc xảy ra thì các cơ quan chức năng đã có những thủ tục, trình tự nhất định. Trong vụ việc này, chúng ta đánh giá cao các cơ quan chức năng đã nhận ra bản chất của sự việc và đã tích cực giải quyết, đưa ra những kết luận cụ thể.

“Thượng tôn pháp luật vẫn là quan trọng nhất, chính vì thế chúng ta tin tưởng rằng các cơ quan chức năng sẽ đưa ra những kết luận chính xác, để rộng đường dư luận, đánh giá sâu sắc về vấn đề này. Đây là vụ việc vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm những định hướng giá trị đạo đức của dân tộc, cần phải lên án”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.

Theo Đại tá Văn Công Minh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, do “Tịnh thất bồng lai” vi phạm nhiều nội dung nên Cơ quan An ninh điều tra đang tiếp tục xác định nội dung khởi tố, củng cố hồ sơ, xử lý vụ việc và sẽ sớm cung cấp cho báo chí.

Thời gian qua, tại "Tịnh thất Bồng Lai" xảy ra nhiều vụ gây mất an ninh, trật tự tại địa phương. Trước đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã có văn bản khẳng định: "Tịnh thất Bồng Lai" không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh quản lý. Những người đang sống và sinh hoạt tại đó không phải là tu sĩ phật giáo.  Do đó, không liên quan đến sự quản lý của Giáo hội.

Sự việc mang tính chất lợi dụng hình thức tu sĩ phật giáo để lừa gạt lòng tin của tín đồ phật giáo để trục lợi. Bên cạnh đó, theo chính quyền địa phương, kết quả xác minh cho thấy trẻ em, thanh niên sinh sống tại "Tịnh thất Bồng Lai", hay "Thiền am bên bờ vũ trụ" đa số không phải trẻ em mồ côi, cơ nhỡ. 

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy: Năm 2014, bà Cao Thị Cúc (sinh năm 1960), hộ khẩu thường trú xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An mua lại nhà, đất với diện tích gần 2.000 m2 ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Sau đó, bà Cúc chuyển về đây sinh sống và sửa chữa lại làm điểm tu tại gia.  

Còn ông Lê Tùng Vân (sinh năm 1932), hộ khẩu thường trú Phường 10, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh, chuyển về đây sinh sống cùng nhà với bà Cúc từ năm 2015. Trước đó, ông Lê Tùng Vân tạm trú tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh và tự phong là Giám đốc trại dưỡng lão và cô nhi Thánh Đức.

Do hoạt động không đúng theo quy định pháp luật về điều kiện vật chất, vệ sinh môi trường tại cơ sở không bảo đảm, việc chấp hành đăng ký tạm trú và đăng ký nhận nuôi con nuôi không tuân thủ quy định, ngày 25/7/2007, UBND huyện Bình Chánh có quyết định chấm dứt hoạt động đối với cơ sở trên. Đến năm 2015, ông Vân bán hết đất tại địa chỉ trên, về tạm trú tại hộ bà Cao Thị Cúc ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây và hành nghề nhận nuôi con nuôi làm từ thiện.  

Thực tế, đa số trẻ sống trong hộ bà Cúc đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Hiện tại, hộ bà Cúc có 18 người đang cư trú, trong đó có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú. Thời gian qua, nơi đây lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, dư luận xã hội.  Đặc biệt, nhóm người tại "Tịnh thất Bồng Lai" đã sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội cá nhân khác nhau đăng nhiều video với nội dung không đúng sự thật về diễn biến vụ việc xảy ra tại đây.

V.Tôn/Báo Tin tức
Bắt tạm giam 3 thành viên trong 'Tịnh thất Bồng Lai'
Bắt tạm giam 3 thành viên trong 'Tịnh thất Bồng Lai'

Công an đã khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Lê Tùng Vân (sinh năm 1932); ba người khác tại “Tịnh thất bồng lai” cũng bị khởi tố và bắt tạm giam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN