Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tế phát triển của xã hội nước ta trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.
Các đại biểu cho rằng, trong những năm qua, Luật Đấu thầu 2013 đã bộc lộ một số điểm hạn chế, không theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế đất nước. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sửa đổi Luật Đấu thầu cũng sẽ tiếp tục tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm, sử dụng nguồn vốn nhà nước; hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra giám sát.
Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, tiêu chí “Đảm bảo nguyên tắc, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước theo pháp luật về quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp”, quy định tại Điều 3 là khá mơ hồ, cần xây dựng tiêu chí cụ thể, rõ ràng để hạn chế tình trạng “sợ trách nhiệm” không dám quyết định của “người đại diện” khi thực thi công việc.
Cùng thống nhất Luật khi được ban hành sẽ góp phần đưa hoạt động đấu thầu được thực hiện công khai, minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh, bình đẳng, ông Lê Đình Hiếu, đại diện Sở Công Thương thành phố cho rằng, Dự thảo luật quy định quá nhiều điều cấm; nhiều nội dung hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; cần làm rõ khái niệm “độc lập về tài chính”, đặc biệt là “độc lập về pháp lý” quy định tại khoản 1, Điều 6. Đồng thời, đề nghị làm rõ, cụ thể quy định cho phép “ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu” tại khoản 2, điều 8 để đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu lực của Luật.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thuận, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh góp ý cần sửa đổi Điều 14 quy định về hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó bổ sung quy định cấm hành vi “thông thầu”, cấm các hành vi dàn xếp, “gọt chân cho vừa giày” để tạo điều kiện cho một đối tượng trúng thầu. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung thêm trường hợp “không ai tham gia đấu thầu” vào quy định các trường hợp hủy thầu; để đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh trong đấu thầu, dự luật cần nghiên cứu xem xét các quy định cấm thầu không nên tạo quá nhiều quyền quyết định cho nhà đầu tư…
Các đại biểu cũng đã tập trung góp ý vào các vấn đề còn chưa rõ liên quan đến một số khái niệm, phạm vi áp dụng; tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư; hiệu lực thi hành của luật…
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở các nhóm chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua gồm: các quy định về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cũng bao gồm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy hoạt động đấu thầu mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, sản xuất trong nước; tạo việc làm cho nhóm yếu thế, mua sắm xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững; các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.