Ngày 28/9, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực VNREA cho biết, việc phát triển nhà ở nói riêng, thị trường bất động sản nói chung đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không chỉ thu hút đầu tư trong nước, lĩnh vực bất động sản còn đứng thứ hai trong tổng số 17 lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, sau công nghiệp và chế tạo.
Theo phương pháp tính toán của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bao gồm cả đóng góp trực tiếp và gián tiếp, ngành bất động sản năm 2019 là 7,62% GDP. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư 1 mét vuông nhà ở cần 17 – 25 công lao động, đầu tư 1 USD vào bất động sản thì thu hút được 1,5 – 2 USD vốn xã hội tham gia khoảng 200%.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, để củng cố nền kinh tế phát triển bền vững, mục tiêu cải cách thể chế, chính sách pháp luật cần được đưa lên hàng đầu, giải phóng nguồn lực, huy động sức sáng tạo, động lực phát triển mọi ngành nghề, mọi cá nhân, tổ chức xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, TS Phạm Duy Nghĩa - Trọng tài viên VIAC, giảng viên ĐH Fullbright nêu quan điểm, sửa luật cần tăng tính thống nhất, giảm rủi ro pháp lý cho các dự án bất động sản.
“Liên quan tới thị trường bất động sản, chúng ta có hàng loạt luật: Luật Đất đai; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Xây dựng và các luật liên quan; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh Bất động sản… làm thế nào để trong quá trình sửa luật thống nhất, tránh chồng chéo, không mâu thuẫn mà vẫn thống nhất, ổn định”, ông Nghĩa cho hay.
Còn bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế VCCI cho rằng, một số quy định đang chồng chéo. Đại diện của VCCI đánh giá, thời gian qua trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thấy có nhiều vấn đề xuất phát từ sự chồng chéo của các luật này. Dường như các dự thảo luật chưa có sự nhất quán trong một số quy định, chẳng hạn Luật Nhà ở và Luật Đất đai hiện đang có quy định khác nhau về cấp giấy chứng nhận cho người nước ngoài sở hữu nhà ở.
Doanh nghiệp đã từng có ý kiến về Luật Đất đai và Luật Nhà ở cho người nước ngoài. Luật Đất đai và dự thảo không quy định người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài. Luật Nhà ở thì quy định người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận.
Về thời hạn có hiệu lực, Luật Đất đai và Luật Nhà ở cũng quy định không giống nhau. Việc chuyển quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai có hiệu lực từ thời điểm đăng ký địa chính nhưng theo Luật Nhà ở, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên mua thanh toán nghĩa vụ tài chính.
“Khi đọc dự thảo Luật Nhà ở, tôi nhận thấy nếu áp dụng thì doanh nghiệp sẽ không biết trình tự, thủ tục, phương thức chọn nhà đầu tư như thế nào? Điều 46 dự thảo Luật Nhà ở đưa ra phương thức quy định lựa chọn nhà đầu tư khác với Luật Đầu tư về quy trình chọn nhà đầu tư, đấu giá, đấu thầu, chấp nhận chủ trương nhà đầu tư… Luật Nhà ở áp dụng cho nhà đầu tư xong nhưng căn cứ Luật Đất đai lại không có. Hiện tại quy định chọn nhà đầu tư và một số vấn đề khác liên quan đang chồng chéo và gây mâu thuẫn. Vì vậy, cần có sự thống nhất giữa các luật để quy trình đầu tư được thông suốt”, bà Hồng chỉ rõ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lan Hưng cho biết, còn quá nhiều các thủ tục hành chính vướng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Vương Quốc Toàn cho rằng, nên gọi chung là nhà ở xã hội không nên phân là nhà ở công nhân. Hiện nay các doanh nghiệp làm hàng nghìn căn nhà, mục đích chỉ là nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng bán nhà lại bán cho tất cả các đối tượng theo Nghị định 100.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng từ địa phương tới trung ương nhưng tới nay chưa được giải quyết”, ông Toàn cho hay.
Cùng với đó, thủ tục mua bán nhà ở xã hội. Theo khoản 17 điều 23 ghi là khi doanh nghiệp muốn bán nhà ở xã hội phải gửi danh sách về Sở Xây dựng kiểm tra và phản hồi lại thì doanh nghiệp mới được ký hợp đồng mua bán. Như vậy sẽ rất mất thời gian, vào không biết bao giờ doanh nghiệp mới được bán nhà.
“Chúng tôi đề nghị phải sửa quy định này lại, tức là cho doanh nghiệp ký hợp đồng và gửi danh sách hợp đồng lên Sở Xây dựng hậu kiểm tra. Hiện nay, tôi được biết là đang có khoảng 1800 hồ sơ thì kiểm tra đến bao giờ xong. Doanh nghiệp của chúng tôi sẽ chậm thu hồi vốn, có khi đến 2-3 năm cũng không xong, tôi đề nghị để các doanh nghiệp được ký hợp đồng và tự chịu trách nhiệm”, ông Toàn nêu quan điểm.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay, đây là lần thứ hai tính từ khi Chính phủ, Quốc hội giao Bộ Xây dựng chủ trì 2 Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Trước đây, khi sửa Luật Nhà ở thì Luật Đất đai đã thông qua rồi. Sau này, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cùng với Bộ Luật dân sự được thông qua cùng thời điểm. Nhưng vẫn tồn tại sự chồng chéo dù thời điểm thông qua cùng lúc.
“Ở góc độ Bộ Xây dựng, chúng tôi coi hai luật này có tầm quan trọng, vừa là đầu kéo và đầu đẩy. Luật Nhà ở trước đây trình Quốc hội, 500 đại biểu cùng tham gia sôi nổi, riêng khái niệm nhà ở đã tranh luận nửa ngày vì vấn đề nhà ở ai cũng quan tâm”, ông Khởi cho hay.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ sẽ tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp và gửi Bộ Tư pháp, trình Quốc hội.