Đồng chí Hầu A Lềnh cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2021 mà Ủy ban Dân tộc tập trung chỉ đạo, điều hành đó là: Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước Chương trình mục tiêu quốc gia - MTQG) hoàn thành công tác thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện các đề án chính sách đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong 6 tháng đầu năm, gồm: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các đề án, chính sách dân tộc trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021, gồm: Xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc, thay thế Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Xác định thành phần, tên gọi của một số dân tộc và xây dựng danh mục các dân tộc Việt Nam; Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Quyết định 162/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 về Phương án “Sắp xếp, ổn định dân cư cho người di cư tự do từ nước CHDCND Lào trở về nước”.
Tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Thông tư, Nghị định).
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện 3 Thông tư, gồm: Thông tư quy định chi tiết, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện; Thông tư quy định chi tiết xây dựng vị trí việc làm hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương; Thông tư quy định về bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng DTTS và miền núi, kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là các điểm nóng về an ninh trật tự, tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường... giải quyết những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc từ Trung ương đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu qủa hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025 “Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào DTTS; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong thực hiện các chính sách dân tộc. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19; Tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi và cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
Để thực hiện được những nhiệm vụ này, đồng chí Hầu A Lềnh cho rằng, Ủy ban Dân tộc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt. Đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ gắnvới trách nhiệm và quyền hạn cụ thể. Tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các vụ, đơn vị, với Ban Dân tộc các địa phương.
Phát huy vai trò của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bố trí, sắp xếp công chức, người lao động phù hợp với chuyên môn, năng lực, trình độ của mỗi người tương ứng với vị trí việc làm.
Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ. Triển khai các đoàn công tác đi cơ sở, nắm bắt, kiểm tra tình hình công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng các đề án chính sách, văn bản quản lý, chỉ đạo, điều hành về công tác dân tộc. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Kết luận hội nghị, đồng chí Hầu A Lênh nhấn mạnh: Ở từng cấp độ khác nhau, chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình lớn mà Ủy ban Dân tộc xác định rõ trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức thực hiện… để sớm triển khai chương trình đúng mục đích, hiệu quả. Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề, có thể phát sinh những nhiệm vụ mới nên đòi hỏi các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban tăng cường công tác phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ. Cần tham mưu, đề xuất những vấn đề mới, đúng, trúng, chính xác. Cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, cập nhật các nhiệm vụ mới, phòng chống dịch bệnh, thiên tai trên địa bàn các tỉnh miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác phối hợp, chủ động, trách nhiệm, phân công phân nhiệm cụ thể, rõ ràng. Đề xuất, tham mưu xử lý các vấn đề mới phát sinh. Đổi mới công tác tham mưu trong thực hiện nhiệm vụ...