Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị có liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: Chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 (CTDT/16-20) đã tập trung giải quyết 3 mục tiêu cụ thể là: Cung cấp luận cứ khoa học để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số (DTTS) và chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đầy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đề xuất phương hướng và giải pháp đổi mới chính sách dân tộc nhằm phát triển bền vững đối với các DTTS ở Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ hoạch định và thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc.
Nhìn chung chương trình đã được Ủy ban Dân tộc triển khai đúng quy định của Luật KH&CN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bám sát khung chương trình đã được phê duyệt. Chương trình đã có tổng số 51 nhiệm vụ. Công tác quản lý nhiệm vụ (phê duyệt đặt hàng; thông báo tuyển chọn, giao trực tiếp; mở hồ sơ; tổ chức tuyển chọn, giao trực tiếp; phê duyệt danh mục; tổ chức ký, thanh lý hợp đồng…) được thực hiện theo quy định của pháp luật; bám sát nội dung khoa học được phê duyệt tại khung chương trình.
Các chỉ tiêu sản phẩm của chương trình đều bằng hoặc cao hơn so với chỉ tiêu được duyệt tại Quyết định số 1641/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Nhìn lại 5 năm thực hiện chương trình KH&CN cấp quốc gia về DTTS và chính sách dân tộc của chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín và các tổ chức nghiên cứu lớn, chuyên sâu. Trong 51 nhiệm vụ của Chương trình đã có 205 bài báo khoa học (trong đó có 72 bài được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín); xuất bản hơn 50 đầu sách; hỗ trợ đào tạo được 85 nghiên cứu sinh và 151 thạc sĩ; đóng góp đáng kể cho hệ thống lý luận và nhiều giải pháp, sản phẩm của chương trình đã được các cấp có thẩm quyền ứng dụng và triển khai trong thực tiễn. Đặc biệt các kết quả nghiên cứu của chương trình đã cung cấp các luận cứ khoa học cho các bộ, ban, ngành trung ương, góp phần hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, trong đó có Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp thục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Nhấn mạnh về những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý: Tiếp tục bám sát và triển khai có kết quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, nghiên cứu KHCN được nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 16/6/2020 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tiếp tục nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn chưa được nghiên cứu, giải quyết triệt để trong giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn trước đó; trong đó chú trọng vào các nội dung có tính căn cơ, khung lý thuyết như cơ sở lý luận, thực tiễn về nguồn gốc hình thành, phát triển và tiêu chí xác định thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam; tầm quan trọng, vai trò và công tác hoạch định chính sách dân tộc trong tình hình mới.
Nghiên cứu các mô hình thí điểm tại một số địa bàn mẫu để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án phù hợp với đặc thù của vùng đồng bào DTTS và miền núi, các DTTS và từng vùng, miền.
Chú trọng nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm vào các mô hình kinh tế, phát minh, sáng chế có tính thực tiễn, kinh phí phù hợp với yêu cầu và tập quán sinh hoạt, sản xuất của người DTTS và vùng, miền, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo quy mô cấp cộng đồng trên nguyên tắc “lấy bản sắc văn hóa, tri thức cộng đồng, truyền thống của các DTTS làm nền tảng, phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh làm mục tiêu, KH&CN là giải pháp”.
Có các giải pháp hỗ trợ, truyền thông phù hợp để nâng cao nhận thức, tinh thần tự lực, tự cường và tiềm năng của đồng bào DTTS trong nghiên cứu KHCN, phát minh, khởi nghiệp sáng tạo, tự làm giàu cho bản thân, gia đình, thôn bản và xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành và các cơ quan có liên quan để chuyển giao các kết quả nghiên cứu, làm cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện thành công, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Có các giải pháp linh hoạt trong huy động nguồn lực, liên kết, đặt hàng với các Viện, Trung tâm nghiên cứu và các tổ chức, doanh nghiệp để bổ sung thêm nguồn lực thực hiện chương trình.
Tham luận tại hội nghị, GS Phạm Quang Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc thuộc Viện Hàn Lâm khoa học Việt Nam cho rằng: Đây là chương trình đầu tiên nghiên cứu tổng thể và toàn diện về công tác dân tộc sau hơn 30 năm dất nước đổi mới. Chương trình đã cung cấp cho Đảng và Nhà nước, các ngành về những dữ liệu mới có thực tế thực tiễn góp phần thực hiện hoạch định và thực thi chính sách dân tộc. Chương trình và từng đề tài đã nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương về chính sách dân tộc cụ thể hơn khi giải quyết các vấn đề đặt ra. Nhận diện và phân tích một cách sâu sắc những vấn đề cụ thể ở vùng miền, địa bàn đa tộc người, kể cả địa bàn dân tộc rất ít người. Kết quả của chương trình là nguồn học liệu có giá trị trong công tác giảng dạy và cho các cơ sở đào tạo đưa vào giảng dạy, góp phần nâng cao công tác đào tạo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là lần đầu tiên thực hiện chương trình và các đề tài đã tạo ra mạng lưới, thu hút các nhà khoa học nghiên cứu, chia sẻ về những vấn đề thực tiễn về công tác dân tộc và chính sách dân tộc…
Trong bối cảnh hiện nay công tác dân tộc vẫn có những diễn biến phức tạp khó lường, có sự ảnh hưởng và tác động mạnh bởi chính sách của các nước lớn. Trước yêu cầu mới của các địa phương về công tác dân tộc và chính sách dân tộc cần có sự ủng hộ của nhà nước, của Bộ KH&CN để có sự nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu đổi mới chính sách và đổi mới lý luận để thực hiện công tác dân tộc, và chính sách dân tộc.
Tại hội nghị này, Ủy ban Dân tộc và Bộ KH&CN cũng đã ký kết chương trình phối hợp giữa hai cơ quan về triển khai KHCN giai đoạn 2021-2030.
Tổng kinh phí cho Chương trình CTDT/16-20 là 176.100 triệu đồng, trong đó thực hiện nhiệm vụ KH&CN là 163.198 triệu đồng và Văn phòng Chương trình là 12.902 triệu đồng.