Chiều 31/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ Chính phủ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên.
Nỗ lực thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam – Hoa Kỳ Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Giải đáp câu hỏi của các phóng viên báo chí liên quan việc Chính phủ đã có kế hoạch nào để triển khai các thỏa thuận hợp tác với Hoa Kỳ sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến nước này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ nằm trong tổng thể chiến lược ngoại giao của Việt Nam: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.
Nhìn chung, dư luận trong nước và thế giới đánh giá đây là một chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử, nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện của hai nước lên một tầm cao mới, hiệu quả, thực chất hơn trên cơ sở lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau. Nhiều văn kiện hợp tác cấp Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp đã được ký kết tại chuyến thăm.
Theo chức trách nhiệm vụ được giao, Chính phủ đang tích cực chỉ đạo triển khai công việc, trọng tâm là thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo và đặc biệt là hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo thông tin mới nhất, hiện các nước đang chuẩn bị cho việc thực hiện đàm phán này. Đây là quá trình theo đuổi kiên trì chương trình hợp tác. Việt Nam vận động để Hoa Kỳ công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường, giảm các rào cản thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh (tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ và bộ đội Việt Nam bị mất tích, rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chất độc da cam...).
Đối với khu vực và quốc tế, Việt Nam tích cực quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực thuộc quan hệ hợp tác chung, đi đôi với việc xử lý các vấn đề trong khu vực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, góp phần duy trì hòa bình, ổn định hợp tác, chống khủng bố, phòng chống dịch bệnh… Đây là những công việc Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành chức năng triển khai thực hiện và cũng là những vấn đề chung không chỉ trong nước mà bạn bè quốc tế cũng hết sức quan tâm.
Sẽ làm rõ về quy trình bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sơn Quang cảnh tại buổi họp báo. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Giải đáp câu hỏi của phóng viên báo chí về việc bắt giữ ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam bởi những sai phạm khi nắm vai trò là Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), liệu quá trình bổ nhiệm có vấn đề gì?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Công tác bổ nhiệm cán bộ có những quy định đầy đủ. Việc bổ nhiệm một cán bộ lên tới chức vụ cao như ông Nguyễn Xuân Sơn phải qua một quy trình khá chặt chẽ, có nhiều khâu, từng bước, có nhận xét, xem xét, thẩm định, đánh giá các tiêu chuẩn một cách công khai, minh bạch, dân chủ, có ý kiến của nhiều tổ chức cũng như thẩm định của cơ quan chức năng.
“Những quá trình đó đã không phát hiện hoặc không thể phát hiện hay phát hiện nhưng không xử lý là vấn đề sẽ được các cơ quan điều tra làm rõ. Tuy nhiên, dù qua các khâu của quy trình bổ nhiệm cán bộ không phát hiện được sai phạm của ông Sơn nhưng qua vụ việc này cho thấy một người có hành vi vi phạm pháp luật dù ở cương vị nào cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh, bình đẳng trước pháp luật”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, với trường hợp ông Nguyễn Văn Sơn, sai phạm chỉ phát hiện khi cơ quan điều tra thực hiện nghiệp vụ điều tra mở rộng. Về việc trước đó, ông Sơn vẫn tháp tùng lãnh đạo cấp cao trong chuyến thăm Hoa Kỳ, bởi theo cơ quan điều tra phải khi có đủ bằng chứng chứng minh sai phạm thì mới áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định: Trong quy trình bổ nhiệm cán bộ, khâu quan trọng nhất là công tác đánh giá cán bộ. Đây là khâu khó nhất để đánh giá đúng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cán bộ. Đảng, Nhà nước đang chỉ đạo hoàn thiện quy trình, cơ chế quản lý cán bộ hiệu quả, chặt chẽ hơn. Đây là việc làm thường xuyên trong công tác cán bộ.
Chia sẻ khó khăn, mất mát đối với nhân dân Quảng Ninh Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Nên thông tin: Tại phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ đã dành thời gian thảo luận về nhiều vấn đề xã hội, trong đó có ảnh hưởng của đợt mưa lũ tại Quảng Ninh khiến nhiều người chết, mất tích; thiệt hại ước tính lên đến 1.500 tỷ đồng. Hiện, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp có mặt tại Quảng Ninh để chỉ đạo khắc phục hậu quả.
“Chính phủ hết sức chia buồn với những mất mát, thiệt hại của người dân Quảng Ninh. Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo lo tập trung hỗ trợ Quảng Ninh khắc phục thiệt hại. Sau đó phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, bài học kinh nghiệm của vụ việc này”, người phát ngôn của Chính phủ nêu rõ.
Thông tin về tình hình cung ứng than trong nước và ra nước ngoài trong bối cảnh ngành than tại Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng chỉ rõ: việc nhập khẩu than đã có lộ trình. Vừa qua, trong cơn mưa lũ, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải bảo đảm cung ứng cho nhà máy điện hoạt động trên cơ sở từ các nguồn dự trữ khác nhau của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, đồng thời cân đối từ các nguồn dự trữ than khác nhau để trong điều kiện mưa lũ kéo dài vẫn bảo đảm việc cung cấp điện…