Tỉnh Ninh Bình cho hay, sau khi thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, đặc biệt là đối với cấp xã, sẽ có nhiều cơ sở nhà đất dôi dư như: trụ sở UBND, nhà văn hóa, trạm y tế, nhà đa năng các trường học... Việc xử lý, bán đấu giá tài sản nhà, đất rất khó thực hiện để vừa đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Theo tỉnh Phú Thọ, việc chuyển đổi mục đích sử dụng tài sản, trụ sở công phải thực hiện quy trình phức tạp, nhiều cơ sở chưa được tiếp quản sử dụng dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí hoặc tiếp quản sử dụng nhưng phải cải tạo lớn cho phù hợp với yêu cầu.
Tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thủ tục thanh lý, bán đấu giá tài sản, trụ sở, quyền sử dụng đất tại các trụ sở công thuộc diện dôi dư, không sử dụng, bảo đảm đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tổ chức thực hiện.
Liên quan đến vấn đề này, thông tin tại phiên họp của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho hay, cuối năm 2023, Bộ Tài chính và các bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện, trong đó có nội dung về sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất. Sau khi công điện ban hành, Bộ đã có công văn hướng dẫn cho cả 2 giai đoạn. Với giai đoạn 2019 - 2021, các bộ, ngành địa phương phải rà soát lại tình hình phê duyệt và thực hiện phương án sắp xếp.
Nếu trong trường hợp chưa có phương án hoặc phương án chưa được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương rà soát để triển khai thực hiện, cố gắng phê duyệt đề án sắp xếp này trong năm 2023 và phương án triển khai thực hiện trong năm 2024. Trong quá trình phê duyệt, chờ phê duyệt đề án, phải đảm bảo tài sản. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, nhất là các nơi tài sản lớn hoặc việc triển khai chậm.
Với giai đoạn 2023 - 2025, theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, Bộ Tài chính đã tham gia ở các đề án gửi Bộ Nội vụ, đó là cùng với việc xây dựng đề án sắp xếp lại huyện, xã phải xây dựng ngay phương án, rút kinh nghiệm giai đoạn trước là phê duyệt đề án xong nhưng chưa có phương án sắp xếp nên chưa triển khai được phương án sắp xếp tài sản.
"Cùng với xây dựng đề án, phải xây dựng phương án sắp xếp tài sản. Đồng thời tạm dừng phê duyệt đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở, công trình với các huyện, xã có phương án sắp xếp", Thứ trưởng Võ Thành Hưng nói.
Trên cơ sở báo cáo các địa phương, với giai đoạn 2019 - 2021, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, rà soát 53 địa phương và 34 bộ, cơ quan Trung ương cho thấy có 6.902 tài sản cần sắp xếp, đến nay có 6.480 tài sản có phương án sắp xếp, bằng khoảng 94% tổng số tài sản cần sắp xếp. Trong đó, giữ lại sử dụng là 5.081 tài sản (chiếm 74%), thu hồi 98, điều chuyển 487, bán là 380, phương án khác là 434, chưa xử lý là 422 tài sản (chiếm khoảng 6%).
Về cơ chế, Bộ Tài chính được giao sửa Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ (quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công) và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP. Cuối năm 2023, Bộ Tài chính đã báo cáo và được lãnh đạo Chính phủ cho phép xây dựng nghị định thay thế 2 nghị định này theo trình tự thủ tục rút gọn. Bộ Tài chính đã gửi dự thảo tới các bộ, ngành xin ý kiến và đang tổng hợp. Qua rà soát ý kiến các bộ, ngành địa phương, còn nhiều ý kiến khác nhau, Bộ đang phấn đấu cuối quý I, đầu quý II/2024 sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định.
Về hướng dẫn thanh toán, quyết toán kinh phí, Bộ đã ban hành văn bản gửi các địa phương hướng dẫn. Cơ bản các địa phương không có phản ánh gì nhiều. Tuy nhiên, qua phản ánh của Bộ Nội vụ, một số địa phương như Bình Thuận, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An còn có phản ánh hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa rõ. Bộ Tài chính sẽ làm việc để lắng nghe và trường hợp cần hướng dẫn thêm sẽ hướng dẫn.
Về kinh phí, theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, bước đầu dự kiến hỗ trợ 20 tỉ đồng/huyện và 500 triệu đồng/xã sáp nhập. Đây là nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lấy ở nguồn vốn chi đầu tư phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ để phân bổ chi phí theo đúng quy định về phân bổ ngân sách Nhà nước.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về bố trí nguồn lực, hiện theo số liệu báo cáo, có hơn 600 xã, 14 huyện trong diện sáp nhập. Theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ bố trố trí 600 tỷ đồng để hỗ trợ một lần, tức một huyện được 20 tỷ đồng, một xã được 500 triệu đồng hỗ trợ trong việc thực hiện sắp xếp.
Trong Nghị quyết 35 quy định là hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị nên sử dụng kinh phí thường xuyên cho nội dung này, vì nếu sử dụng theo đối tượng của Luật Đầu tư công sẽ rất phức tạp, với rất nhiều quy trình, thủ tục. Bộ Tài chính bố trí trong chi thường xuyên, để các huyện, xã nhận một lần, thực hiện cho dễ.
Một vấn đề khác liên quan đến sáp nhập huyện, xã là thay đổi tên gọi của các đơn vị hành chính mới.
Đại diện Bộ Công an cho biết, khi sắp xếp lại địa giới hành chính, sẽ có thay đổi về tên gọi. Một số trường thông tin của công dân sẽ thay đổi nên sẽ chạy lại hệ thống dữ liệu dân cư. Việc này cần có sự phối hợp của công dân, Bộ Tư pháp để chạy lại toàn bộ hệ thống, có một chút khó khăn, nhưng sẽ thực hiện được. Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để chạy trên toàn hệ thống liên quan đến một số trường thông tin ở giấy khai sinh như nơi sinh, quê quán. Đồng thời, phối hợp với công dân để điều chỉnh cụ thể ở từng trường hợp. Bộ Công an sẽ có chỉ đạo cụ thể sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về sắp xếp đơn vị hành chính.
Về quy định, không yêu cầu công dân phải đổi giấy tờ căn cước công dân, nhưng để thuận tiện cho giao dịch, đại diện Bộ Công an khuyến cáo công dân nên đổi căn cước công dân theo địa danh mới. Công dân sẽ được miễn lệ phí đổi căn cước theo quy định.