Hôm nay (28/11), kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sẽ bế mạc, phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn bà Nguyễn Thanh Hải, đại biểu đoàn Hòa Bình, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về kết quả kỳ họp này:Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về kết quả kỳ họp Quốc hội lần này?Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 rà soát lại các luật và hành lang pháp lý liên quan để phù hợp với Hiến pháp, tránh chồng chéo. Đây là các luật mang tính xương sống, định hướng cho hệ thống pháp luật như Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân…
Bên cạnh đó, nhiều đạo luật thể chế hóa quyền con người như Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân cũng đã đưa ra thảo luận và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.
Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã “tải” một khối lượng công việc nặng nề. Trên diễn đàn họp Quốc hội, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng các dự án luật khi trình ra và đã có sự sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Tại các kỳ họp gần đây, bên cạnh phiên chất vấn còn có các phiên thảo luận xung quanh những vấn đề cử tri quan tâm như Đề án sửa đổi sách giáo khoa, dự án sân bay Long Thành... Vậy theo bà, trong thời gian tới có nên mở mở rộng ở các phiên thảo luận về chủ đề mà cử tri quan tâm?Đúng là những vấn đề được cử tri quan tâm như Đề án sửa đổi sách giáo khoa thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông và Dự án sân bay Long Thành được Quốc hội đưa ra thảo luận. Việc đưa ra thảo luận được nhiều đại biểu đóng góp những ý kiến tâm huyết với việc dẫn ra những số liệu thuyết phục, khoa học. Bên cạnh đó là sự đóng góp nhiệt tình của đội ngũ báo chí cũng giúp cho đại biểu Quốc hội có thông tin nhanh, chính xác và trao đổi thông tin đóng góp chủ đề mà cử tri quan tâm.
Việc thảo luận về các chủ đề mà cử tri quan tâm như Đề án sửa đổi sách giáo khoa và Dự án sân bay Long Thành đều có quy định theo luật như Đề án đổi mới sách giáo khoa được quy định bởi điều 100 của Luật Giáo dục. Theo đó tất cả vấn đề liên quan đến chủ trương lớn của ngành giáo dục và ảnh hưởng tới việc học tập đông đảo của người dân đều phải trình với Quốc hội. Hoặc như dự án sân bay Long Thành với số vốn đầu tư lớn đều phải trình ra Quốc hội.
Bên cạnh việc dành một số buổi thảo luận tại hội trường, trước đó khi thảo luận ở tổ đều có báo cáo tổng hợp ý kiến, trao đổi và được gửi tới đại biểu bằng văn bản, thông tin trao đổi nhiều hơn.
Trong kỳ họp này, việc trao đổi thông tin về dự án sân bay Long Thành của Bộ GTVT và đề án sửa đổi sách giáo khoa của Bộ GDĐT với các đại biểu là cách làm phù hợp vì có thể đại biểu thiếu thông tin, hoặc có cách tiếp cận ở góc nhìn khác nhau, qua đó rút ngắn thời gian nghiên cứu và làm sáng tỏ những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.
Ngoài ra, kỳ họp này diễn ra tại hội trường mới với hệ thống cơ sở vật chất được trang bị hiện đại, theo đó tại vị trí ngồi đại biểu có thể truy cập mạng nội bộ Văn phòng Quốc hội lấy tài liệu liên quan, phục vụ nghiên cứu thuận lợi hơn.
Tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua nhiều dự án luật và để các luật này vào cuộc sống, theo bà trong thời gian tới cần tăng cường hoạt động giám sát để những nội dung này sớm vào cuộc sống?Khi thông qua các dự án luật vào kỳ họp này thường thì phải tới 1/7 sang năm luật mới có hiệu lực vì để có thời gian cho các ngành hữu quan soạn thông tư, nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, tại vài kỳ họp gần đây, bên cạnh trình dự án luật là trình cả thông tư và nghị định hướng dẫn kèm theo. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng nợ văn bản hướng dẫn khiến nhiều luật thông qua chậm đi vào cuộc sống nên các đại biểu tăng cường giám sát và đôn đốc các bộ ngành hữu quan sớm chấn chỉnh tình trạng này.
Tiếp đó, khi đưa luật vào cuộc sống có những bật cập như thiếu hành lang pháp lý, do tổ chức bộ máy… thì vai trò giám sát của các cơ quan dân cử như đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp cần phát huy, có những phản ánh để điều chỉnh.
Đơn cử như trong kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm của Thành phố Hồ Chí Minh có nêu vấn đề tập trung cai nghiện đối với các đối tượng vô gia cư, trong đó là sự bất cập trong những quy định về thủ tục hành chính và xác định đâu là “tổ chức xã hội” đưa các đối tượng nghiện vô gia cư đi cai nghiện được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi đã thấy bất cập thì các ngành chức năng đề xuất các giải pháp để sửa đổi. Do đó, qua các hoạt động giám sát, các đại biểu Quốc hội cần phát hiện bất cập và sớm đề xuất sửa đổi để khi triển khai phù hợp với thực tế.
Xin cám ơn bà!Xuân Cường (thực hiện)