Bên lề Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV:

Quy mô gói hỗ trợ phải đáp ứng được nhu cầu hiện nay của doanh nghiệp

Trao đổi bên lề Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội cho rằng, các nội dung được xem xét có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và đông đảo quần chúng nhân dân; vì vậy cần được thảo luận kỹ lưỡng và sâu sắc.

Sáng 4/1, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 1 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp). Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Trao đổi bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, các nội dung được xem xét có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và đông đảo quần chúng nhân dân; vì vậy cần được thảo luận kỹ lưỡng và sâu sắc.

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự Phiên khai mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Liên quan đến Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chỉ rõ, cần xem xét quy mô của gói hỗ trợ là bao nhiêu nhằm đáp ứng được yêu cầu cần hỗ trợ của nền kinh tế, của doanh nghiệp để đủ sức phục hồi nhưng đồng thời phải bảo đảm giữ được ổn định kinh tế vĩ mô như: các chỉ tiêu về an toàn nợ công, kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, phải làm thế nào để đưa gói hỗ trợ này đến đúng địa chỉ, tránh tình trạng trục lợi chính sách.

Về ý kiến đề xuất gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế gần 844.000 tỷ đồng, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, quy mô gói hỗ trợ phải đáp ứng được nhu cầu hiện nay của doanh nghiệp, đại đa số các doanh nghiệp cần được tiếp cận nguồn vốn. Như vậy, phải làm thế nào để giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chứ không phải là nguồn vốn từ ngân sách, nguồn vốn ngân sách bỏ ra chỉ là phần hỗ trợ. Do đó, cơ chế kết hợp giữa tài khóa và tiền tệ phải khéo léo để không nhất thiết bỏ ra quá nhiều tiền ngân sách nhưng doanh nghiệp có thể hưởng thụ được nguồn lực hỗ trợ để phát triển.

Theo đại biểu, nếu gói hỗ trợ đưa ra đi đúng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì sẽ trở thành nguồn lực cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự hấp thụ nền kinh tế đang yếu, nếu gói hỗ trợ này không chuyển vào sản xuất kinh doanh mà chảy sang khu vực khác như: mua bán bất động sản hoặc mua bán chứng khoán… thì có thể gây ra những hậu quả nguy hại cho nền kinh tế như lạm phát, khủng hoảng tiền tệ. Chính vì vậy, đi kèm với việc hỗ trợ, rất cần thiết tăng sức hấp thụ của nền kinh tế. Do đó, phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ những nút thắt trong giải ngân đầu tư công để nguồn ngân sách đưa vào đầu tư công đưa thẳng đến các khu vực cần đầu tư.

Liên quan đến dự án "một luật sửa nhiều luật", đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá, đây là một sáng kiến lập pháp thể hiện tính chất kịp thời nhằm tháo gỡ các điểm mâu thuẫn giữa các luật. "Nếu như sửa từng luật, rõ ràng bắt cuộc sống, bắt xã hội phải chờ đợi lâu. Khi một luật sửa nhiều luật sẽ đáp ứng được ngay những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống mà nút thắt đó lại do vấn đề luật pháp", ông Cường nhấn mạnh.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội cũng xem xét, thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, đây là tuyến huyết mạch của nền kinh tế, quyết định rất lớn đến các nguồn lực của các địa phương cho phát triển. Đây là lần thứ hai, Quốc hội bàn về việc chuyển phương thức đầu tư hợp tác công tư sang đầu tư công. Điều này thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, mong muốn của Chính phủ, Quốc hội sớm có nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc nhưng đồng thời cũng cần phải xem lại cơ chế thu hút các nguồn lực thông qua phương thức đầu tư hợp tác công tư.

Phan Phương (TTXVN)
Xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, có tính chất cấp bách
Xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, có tính chất cấp bách

Đúng 9 giờ ngày 4/1/2022, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã được khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN