Quy định 131-QĐ/TW: Chỉ rõ 'Tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra là hành vi tham nhũng, tiêu cực'

Ngày 27/10, Bộ Chính trị ban hành Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán (gọi tắt là Quy định 131). Quy định vừa mới ban hành đã nhận được quan tâm lớn của các chuyên gia. 

Là một đảng viên, Luật sư Phạm Hoàng Lâm (Luật sư Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) rất tâm đắc khi Quy định 131 đã làm rõ được một số khái niệm về "quyền lực" và "kiểm soát quyền lực" trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Cụ thể, quyền lực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong công tác và hoạt động này theo quy định của Đảng và Nhà nước; kiểm soát quyền lực là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định...

Quy định 131 cũng đã cụ thể hoá được 21 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, quy định tại Điều 4. Trong đó đáng chú ý có hành vi nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra. Luật sư Phạm Hoàng Lâm đánh giá, đây là hành vi từ trước đến nay vẫn chưa rõ ràng, đa phần mọi người đều hay ngộ nhận và khó phân biệt với những hành vi tương tự khác. Quy đinh 131 đã chỉ rõ hành vi tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra là hành vi tham nhũng, tiêu cực. 

Ngoài ra, Quy định 131 cũng chỉ ra một số cơ chế ràng buộc để nhằm hạn chế thấp nhất những mối quan hệ gia đình có thể tác động đến người có thẩm quyền hoặc gây sức ép với đối tượng đang đảm nhiệm quyền kiểm soát; cơ chế tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan dân cử các cấp, công dân khi phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên theo Luật sư Phạm Hoàng Lâm, để phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán cần phải là người có chuyên môn cao trong các lĩnh vực này. Điều này trên thực tế còn nhiều hạn chế nên quy định về việc tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan dân cử các cấp... còn mang tính hình thức. 

Nhận định về quy định mới được ban hành của Bộ Chính trị, Thạc sĩ Nguyễn Văn Trí (Phó trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) nhận định, Quy định 131 không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta mà còn đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Trong bối cảnh cần phải có sự kiểm soát và phòng, chống tham nhũng ngay chính trong các thiết chế phòng, chống tham nhũng thì sự ra đời của Quy định 131 là rất kịp thời và cần thiết.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Trí nhấn mạnh, chúng ta không thể chiến thắng tham nhũng, tiêu cực nếu chính chủ thể phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực. Quy định này hướng đến kiểm soát quyền lực của các chủ thể thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán; đồng thời, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán – những thiết chế có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay. 

Điểm đột phá của Quy định 131 là đã làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể có liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán, cụ thể là trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức Đảng, người đứng đầu, thành viên cấp uỷ, tổ chức Đảng; trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, bao gồm cả trách nhiệm của Trưởng đoàn, thành viên đoàn kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán và cán bộ làm công tác tham mưu… Do đó, tất cả các chủ thể liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán đều phải chịu sự kiểm soát việc thực thi quyền lực, chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, công vụ được giao, đồng thời, còn phải chịu trách nhiệm liên đới với tư cách là cấp uỷ Đảng, người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Trí, Quy định 131 nếu được thực hiện một cách triệt để, nghiêm minh thì Đảng không chỉ có thể kiểm soát được quyền lực Nhà nước, phòng, chống tham nhũng trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán mà còn “tăng cường được hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung.

Thành Chung (TTXVN)
Toàn văn Quy định 131 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 
Toàn văn Quy định 131 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 

Ngày 27/10/2023, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định 131-QĐ/TW (Quy định 131) về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Quy định 131:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN