Quốc hội thảo luận quy hoạch thủy điện và Luật Công chứng

Tiếp tục kỳ họp thứ 6, chiều 1/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến về về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện và dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: An Đăng - TTXVN.


Cho ý kiến về báo cáo về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) đánh giá: báo cáo Chính phủ đã nêu rõ được vai trò của thủy điện đối với xã hội, môi trường, an ninh năng lượng nhưng cũng như sự ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội (mất diện tích rừng, lụt do xả lũ...).

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga cho rằng Chính phủ cần nêu rõ trách nhiệm của các cấp quản lý trong vấn đề quy hoạch thủy điện đánh giá rõ những thiệt hại đối với các dự án thủy điện đã được triển khai nhưng bị bỏ... Dành sự quan tâm đến trồng rừng thay thế và thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga đặt vấn đề: các dự án thủy điện lấy diện tích rừng rất lớn nhưng hiện mới tái trồng được hơn 3%.

Hiện có nhiều doanh nghiệp đề nghị được trả tiền thay cho việc trồng rừng, có nên chấp nhận khi diện tích rừng đang thiếu? Cần phải xem xét trường hợp nào được trả tiền, không để trường hợp doanh nghiệp trả tiền, địa phương đưa vào quỹ bảo vệ rừng nhưng diện tích rừng không được tái trồng, Đại biểu Nga nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Minh Trọng (Tây Ninh) cũng cho rằng Chính phủ cần cân nhắc thêm việc xây dựng các dự án thủy điện nhỏ, các dự án thủy điện cực nhỏ bởi thực tế hiện nay hiệu quả của nhiều dự án thủy điện chưa cao, "thủy điện thì nhỏ nhưng phá rừng thì lớn". Đồng thời, việc xây dựng các thủy điện cần phải gắn liền với vấn đề môi sinh, bảo vệ môi trường, sinh thái.

Thể hiện quan điểm "không nên vì khát khao điện năng mà phải xây dựng bằng được thủy điện ở cả những nơi mất nhiều đất sản xuất, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân", đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) nêu kiến nghị nên làm thủy điện bậc thang, không nên khuyến khich các dự án ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân mà công suất thủy điện không lớn.

Đối với những dự án còn trong qui hoạch thì phải cố gắng thực hiện đúng mục tiêu: nơi mới bằng nơi cũ có các chính sách giúp người dân tái định cư ổn định cuộc sống bởi nỗi lo lớn nhất của người dân là công ăn việc làm sau khi tái định cư.  Các đại biểu cũng thống nhất với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Theo đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam), một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết là nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình vận hành khai thác công trình thủy điện nếu để xảy ra hậu quả thiệt hại, thậm chí phải truy cứu hình sự nếu để xảy ra chết người phân công trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong quá trình vận hành, khai thác công trình thủy điện.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề nghị Nghị quyết của Quốc hội cần mở rộng quy định đối với các công trình hồ thủy lợi.

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Công chứng, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật cần quy định một cách toàn diện, quy định rõ những việc nào thuộc lĩnh vực công chứng, lĩnh vực nào thuộc về chứng thực.

Chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là đúng đắn nhưng cần có những quy định đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Dự án Luật cần quy định rõ nội dung, phương thức, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng. 


Đại biểu Trần Tiến Dũng cũng đề nghị Luật nên mở rộng quy định đối với các nhóm đối tượng trước đây đã là công chứng viên được bổ nhiệm theo Nghị định 75 năm 2000 của Chính phủ. Đó là những công chức nhà nước nhưng do công việc nên được điều chuyển đi làm công tác khác.

Đây là những đối tượng không cần phải bồi dưỡng kiến thức, mà có thể hành nghề công chứng viên tại các văn phòng công chứng của UBND huyện, xã. 

Tham gia góp ý kiến, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) không đồng tình với quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm về bản dịch công chứng bởi theo đại biểu quy định về tiêu chuẩn công chứng viên của dự án Luật không có yêu cầu công chứng viên phải thông thạo ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, đại biểu Ngô Văn Minh cũng đề nghị ban soạn thảo cần có chế tài ràng buộc để thực hiện quy định văn phòng công chứng phải mua bảo hiểm. Bởi, chưa có ai quản lý việc các văn phòng công chứng có mua bảo hiểm hay không. Đại biểu kiến nghị dự án Luật cần quy định văn phòng công chứng phải mua bảo hiểm trước mới được cấp phép hoạt động.


Phúc Hằng 
Quốc hội thúc giục tái cơ cấu kinh tế
Quốc hội thúc giục tái cơ cấu kinh tế

Tại phiên thảo luận, hai bộ trưởng Cao Đức Phát và Vũ Huy Hoàng đã phát biểu cung cấp thêm thông tin về những vấn đề mà các đại biểu băn khoăn, kiến nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN