Theo ông Ngô Quang Chiến, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Trị có 2 đơn vị cấp huyện (huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã Quảng Trị) và 17 xã (thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị) thuộc diện phải sắp xếp.
Cụ thể, năm 2023, tỉnh Quảng Trị tiếp tục giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021; đồng thời rà soát, thống kê thực trạng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã về diện tích tự nhiên, quy mô dân số các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Trong năm 2024 - 2025, tỉnh sẽ triển khai các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 gắn với việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đồng thời, tỉnh phấn đấu hoàn thành việc giải quyết dôi dư cán bộ, công chức cấp xã tại các xã, thị trấn thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021; giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025; sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã...
Tại hội nghị, lãnh đạo các huyện, thị thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 đã nêu lên nhiều khó khăn trong việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Thực tế khi triển khai, ý kiến của cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính gặp rất nhiều khó khăn; số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư nhiều sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Hầu hết các xã, thị trấn sau khi sắp xếp đều sử dụng 2 trụ sở nên công tác điều hành, việc di chuyển của cán bộ, công chức và người dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giao dịch hành chính rất khó khăn, chưa giảm được chi phí hành chính.
Bí thư Huyện ủy Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết: “Một bộ phận cán bộ rất lo lắng bởi ảnh hưởng đến việc làm. Đồng thời, do yếu tố lịch sử, văn hóa, nguồn gốc hình thành cộng đồng dân cư, phong tục tập quán nên khi sáp nhập nhập người dân có nhiều băn khoăn, lo lắng và đồng tình không cao”.
Đồng tình với ý kiến này, Bí thư Huyện ủy Triệu Phong Trần Xuân Anh đề nghị cần có cơ chế riêng đối với trường hợp chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh để thuận lợi trong quá trình thực hiện điều chuyển. UBND tỉnh cần sớm ban hành các chế độ chính sách để có cơ sở tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc được thuận lợi.
Bí thư Thị ủy Quảng Trị Văn Ngọc Lâm cho biết, theo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của UBND tỉnh giai đoạn 2019 - 2021 đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, thị xã Quảng Trị và phường An Đôn thuộc diện phải sắp xếp do tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định. Tuy nhiên với những đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, vị trí địa lý, Ban thường vụ Thị ủy Quảng Trị đề nghị được giữ nguyên đơn vị hành chính thị xã Quảng Trị và phường An Đôn như hiện nay.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năn, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, sắp xếp lại các đơn vị hành chính sẽ tạo cân đối hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún.
Để làm tốt nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân tại các địa phương thuộc diện phải sắp xếp. Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2025 - 2030, với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và nông thôn. Trong quá trình triển khai phải chú trọng các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý tự nhiên, cộng đồng dân cư để lập phương án phù hợp, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Quảng Trị đã sắp xếp 33/141 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 16 xã. Việc triển khai sắp xếp đã nhận được sự đồng thuận của đại đa số cử tri ở các đơn vị thực hiện sắp xếp, đảm bảo theo đúng quy định và đạt được những kết quả quan trọng.