Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc yêu cầu, việc lập các phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, có lộ trình cụ thể, phù hợp quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; làm đến đâu chắc đến đó, không dàn trải, không để xảy ra khiếu kiện, đặc biệt phải giữ vững ổn định chính trị ở địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đề nghị, kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 sẽ là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cũng lưu ý, việc sắp xếp đơn vị hành chính phải cân nhắc kỹ yếu tố đặc thù về truyền thống, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên cộng đồng dân cư nhằm ổn định đời sống nhân dân địa phương, đảm bảo quốc phòng, an ninh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Nam Định quyết định thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với thành viên Ban Chỉ đạo.
Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo, các huyện, thành phố, trong quá trình thực hiện sắp xếp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; rà soát, có giải pháp điều chỉnh, xử lý dứt điểm trường hợp đơn vị hành chính có tranh chấp về địa giới hành chính, đơn vị hành chính có địa hình chia cắt, không thuận lợi cho người dân và công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng lưu ý, việc lựa chọn tên gọi của đơn vị hành chính sau sắp xếp có ý nghĩa, phù hợp với yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi đã có của đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc tên gọi được sử dụng trong lịch sử hình thành, phát triển của đơn vị hành chính.
UBND tỉnh Nam Định yêu cầu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị-xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn; bố trí đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và chế độ chính sách cho các đối tượng bị tác động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Cùng với đó là xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện thủ tục, đặc biệt là không thu các loại phí, lệ phí khi chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Thời gian hoàn thành kế hoạch và phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030, xong trước ngày 30/9/2023.
Giai đoạn 2019-2021, tỉnh Nam Định đã sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 3 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời, thực hiện sắp xếp xong hơn 1.800 thôn, xóm, tổ dân phố trong số 3.674 đơn vị thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn.