Bí thư Thành ủy Hà Nội: Sắp xếp đơn vị hành chính phải đảm bảo được sự ổn định, giữ được văn hóa, lịch sử 

Những ngày qua, thông tin quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 được dư luận quan tâm. Nhiều người dân bày tỏ việc sắp xếp cần tính đến yếu tố cụ thể và đặc thù lịch sử, truyền thống văn hóa...

Chú thích ảnh
Cầu Thê Húc (hồ Hoàn Kiếm) luôn là điểm 'check in' lý tưởng của du khách. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, sáp nhập các đơn vị hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước là rất cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là việc khó, phức tạp, liên quan đến lịch sử, văn hóa… nên không thể cứng nhắc. Việc sáp nhập, nhất là đơn vị hành chính đặc thù như quận Hoàn Kiếm, ngoài việc dựa trên diện tích và dân số phải tính đến các yếu tố lịch sử, văn hóa...

Tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội với cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức ngày 9/8, ông Phạm Chi Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chương Dương (Hoàn Kiếm) nêu ý kiến, nhân dân rất quan tâm, muốn biết chủ trương, quan điểm của thành phố trong việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm bởi đây là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có bề dày truyền thống về văn hóa, lịch sử. 

Trả lời những băn khoăn của người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ sớm ban hành Chỉ thị về việc triển khai sắp xếp này. 

Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy là phải quán triệt, thực hiện nghiêm các Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Việc sắp xếp này là công việc quan trọng, có tác động lớn đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tâm tư, tình cảm của nhân dân. Do đó phải được tổ chức thận trọng, khoa học, kỹ lưỡng, nhất là phải xem xét cả các yếu tố về vị trí trọng yếu quốc phòng, an ninh, đặc điểm truyền thống, lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt, tốc độ phát triển đô thị của thành phố Hà Nội để đề xuất phương án phù hợp. 

Bên cạnh đó, thành phố cần có đánh giá tổng thể theo cả ba tiêu chí; trong đó có hai tiêu chí cứng về diện tích, dân số và một tiêu chí về các điều kiện đặc thù như nêu ở trên. Từ hai tiêu chí cứng sẽ đưa ra được danh sách các đơn vị cần sắp xếp, sau đó áp dụng tiêu chí 3 để đề xuất phương án cụ thể. Trong quá trình sắp xếp quận Hoàn Kiếm, Thành ủy sẽ xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện; đặc biệt là về các yếu tố đặc thù về văn hóa, truyền thống lịch sử...

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Hà Nội với 18 phường, rộng 5,29km2, dân số gần 156.000 người. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất trên địa bàn Thủ đô. Theo quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính nêu rõ, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận phải có diện tích tối thiểu 35km2, dân số 150.000 người trở lên. Trong 2 năm tới, các huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập. Đối chiếu quy định này, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sắp xếp sáp nhập.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 diễn ra ngày 31/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết trong giai đoạn 2023-2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định hiện nay, Hà Nội có một đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Giai đoạn 2019-2021, thành phố đã sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã; không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện và 579 đơn vị hành chính cấp xã.

Nguyễn Thắng  (TTXVN)
Nhiều cơ sở nhà đất công bị bỏ hoang sau sáp nhập đơn vị hành chính tại Thanh Hóa
Nhiều cơ sở nhà đất công bị bỏ hoang sau sáp nhập đơn vị hành chính tại Thanh Hóa

Tại Thanh Hóa, sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, nhiều công trình dư thừa đang bị bỏ không, gây lãng phí. Giải quyết công trình này thế nào là vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN