Theo kế hoạch, giai đoạn 2023-2025, có 60 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương thuộc diện sáp nhập và sau sáp nhập sẽ giảm 31 đơn vị; có 10/12 huyện, thị xã, thành phố có đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập, trừ thành phố Chí Linh và huyện Thanh Miện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là việc khó, tác động đến tư tưởng của cán bộ, nhân dân, người lao động. Trên cơ sở các kết quả đạt được trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh xác định quyết tâm cao, có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đúng quy trình, tránh nóng vội.
Ông Triệu Thế Hùng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt giai đoạn 2023-2025, tập trung tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc sắp xếp phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch xã; đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, đồng thuận của nhân dân. Qua đó, phát huy tối đa các nguồn lực để thúc đẩy phát triển xã hội, đề cao vai trò của người đứng đầu các cấp; đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các cơ quan, đơn vị
Lộ trình triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 phải đảm bảo đúng Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra. Các huyện, thị xã, thành phố đánh giá toàn diện phương án sắp xếp để đảm bảo sự tiếp nối của giai đoạn 2023-2025 với giai đoạn 2026-2030. Các sở, ban, ngành ban hành văn bản hướng dẫn việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo hướng tháo gỡ các khó khăn như: Sắp xếp bộ máy, tiếp nhận đảng viên, chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025-2030; có phương án quản lý các trụ sở, tài sản các đơn vị sau sắp xếp tránh lãng phí tài sản của Nhà nước. Các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp cần lưu ý lựa chọn tên gọi đơn vị sau sáp nhập phù hợp các yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương; ưu tiên sử dụng tên gọi đã được sử dụng trong lịch sử hình thành đơn vị hành chính đó. Đồng thời, cần làm tốt việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân để tạo sự đồng thuận cao, vì đây là yếu tố cốt lõi trong thực hiện thành công việc sắp xếp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc phối hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, ủng hộ.
Hội nghị cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến của các xã trong diện sáp nhập và những đề xuất, kiến nghị để việc sắp xếp đạt hiệu quả, tập trung một số nội dung như: Cần có cơ chế sử dụng cơ sở vật chất rõ ràng sau khi sắp xếp để tránh lãng phí; giải quyết kịp thời chế độ chính sách với đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; quan tâm đến đội ngũ cán bộ trẻ; sớm giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho những xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới...
Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị cần cân nhắc việc dừng các dự án đầu tư công trên địa bàn các xã thuộc diện sáp nhập, nhất là cơ sở giáo dục, giao thông, văn hóa; cân nhắc kỹ việc sáp nhập các trường học, tránh vượt quy mô số lớp quy định của trường chuẩn quốc gia và gây khó khăn cho việc đi lại của học sinh.
Theo kế hoạch, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, thống kê số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách đối với các xã thuộc diện sắp xếp và tất cả các xã, phường, thị trấn đến ngày 30/6/2023 để phục vụ cho việc dự kiến phương án sắp xếp khi có hướng dẫn của tỉnh.
Trước ngày 15/10/2023, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn. Sở Nội vụ phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát Đề án, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố đăng tải những tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến cử tri lên cổng thông tin của tỉnh, huyện và niêm yết tại các xã, các điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, khu dân cư các xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp.Trước ngày 20/11/2023, hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri.
Sau khi xã hoàn thành việc lấy ý kiến của cử tri, nếu có trên 50% số cử tri đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn thiện hồ sơ, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua, trước ngày 25/11/2023. Trên cơ sở hồ sơ hoàn thiện của cấp xã, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hoàn thiện hồ sơ, đề án, trình Sở Nội vụ trước 30/11/2023.
Sở Nội vụ tổng hợp thành đề án chung báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hoàn thiện hồ sơ, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh thường kỳ vào tháng 11/2023.
Các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp sẽ chính thức đi vào hoạt động từ 1/7/2024. Năm 2024 và 2025, tỉnh tập trung giải quyết dứt điểm chế độ chính sách dôi dư ở đơn vị hành chính cấp xã; chuyển đổi các loại giấy tờ của cá nhân và doanh nghiệp; triển khai chế độ chính sách đặc thù tại các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023-2025…
Trước đó, giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Hải Dương đã sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; sau khi sắp xếp giảm còn 235 đơn vị hành chính cấp xã.