Quảng Ninh: Đẩy mạnh thu hút đầu tư, giữ vững đà tăng trưởng bền vững 2 con số

Ngày 7/12, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 họp Kỳ thứ 12 (kỳ họp cuối năm) để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; đồng thời quyết định về cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện 3 đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh kỳ họp. 

Dự kỳ họp có ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, năm 2023 (năm bản lề có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 với 12 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội - môi trường; đồng thời xác định chủ đề năm là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.

Quảng Ninh quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng 2 con số của giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng địa phương trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Tỉnh phấn đấu GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD; đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 tăng trên 10%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 54.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%. Địa phương đặt mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR Index), sự hài lòng của người dân (SIPAS) và hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại kỳ họp. 

Để đạt mục tiêu trên, Quảng Ninh sẽ tập trung phát huy tối đa mọi tiềm năng, lợi thế khác biệt, năng lực hạ tầng giao thông vượt trội để phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao; huy động sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, tháo gỡ khó khăn các doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp mới, kinh tế hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình; ổn định và phát triển bền vững ngành than. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; đưa chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới bền vững... đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, con người.

Quảng Ninh thực hiện các giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả đầu tư công, đầu tư xã hội, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); trong đó, định hình các cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách nhà nước năm 2023, khắc phục có hiệu quả khâu yếu nhất, kéo dài nhiều năm, nhất là khâu chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý tài chính - ngân sách, quản lý đầu tư công. Tỉnh chủ động tháo gỡ các khó khăn, khai thông các điểm nghẽn; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực với phương châm nội lực là căn bản, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt thu hút ngoài ngân sách, thúc đẩy đầu tư xã hội, nhất là thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP); ngân sách tập trung cho an sinh xã hội và các công trình có tính chất động lực lan tỏa, hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hẹp chênh lệch vùng miền trong tỉnh.

Chú thích ảnh
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022. 

Năm 2022 với chủ đề công tác "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, tỉnh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát triển kinh tế ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, dịch vụ hiện đại, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội và môi trường đề ra. GRDP năm 2022 ước đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt trên 55.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. 100% địa phương cấp xã, cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, để chuyển sang giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa có chiều sâu, hiệu quả và bền vững...

Tin, ảnh: Văn Đức (TTXVN)
Quảng Ninh phát triển bền vững kinh tế thủy sản
Quảng Ninh phát triển bền vững kinh tế thủy sản

Quảng Ninh là một trong 28 tỉnh, thành trên cả nước có biển, với 2.077 đảo lớn nhỏ, dải bờ biển dài 250km, có 40.000ha bãi triều và trên 20.000ha eo, vịnh và tài nguyên sinh vật biển đa dạng, phong phú. Điều đó giúp cho Quảng Ninh có thế mạnh sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 228.000 tấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN