Quân tình nguyện Việt Nam là những thiên thần giúp Campuchia thoát họa diệt chủng

Nhân kỷ niệm “Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia (7/1/1979), phóng viên TTXVN tại Campuchia đã phỏng vấn nhà báo Khiev Kola, 53 tuổi, từng là phóng viên của nhiều cơ quan báo chí Campuchia và quốc tế, hiện là bình luận viên chính trị của Đài truyền hình CTN, Campuchia.  Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Nhà báo Khiev Kola (trái): Quân tình nguyện Việt Nam là những thiên thần đã đến giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Ảnh: Xuân Khu


Phóng viên: Cách đây 35 năm, nhân dân Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, đã đứng lên đấu tranh chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot, giành chiến thắng 7/1/1979. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện lịch sử này?

Nhà báo Khiev Kola: Trong thế kỷ 20, nhân loại chứng kiến một chế độ tàn bạo nhất trong lịch sử Campuchia, đó là Campuchia Dân chủ, thường được gọi là Angkar (tổ chức), do Pol Pot đứng đầu. Hơn thế nữa, đây là một chế độ có một không hai trong lịch sử loài người khi nó coi nhân dân Campuchia là kẻ thù, tiến hành chính sách diệt chủng ngay cả đối với dân tộc của mình!

Chỉ trong khoảng thời gian hơn 3 năm, từ 1975 -1978, tập đoàn tội ác này đã giết hại hơn 2 triệu người dân Campuchia, khoảng một phần ba dân số Campuchia ngày đó, chỉ để thực hiện tham vọng điên cuồng, không tưởng là xây dựng một chủ nghĩa xã hội thuần túy, trong sạch. Xã hội Campuchia ngày đó hầu như bị hủy diệt khi không có cả chợ búa, trường học, bệnh viện, hoạt động tôn giáo và cũng không có cả tiền tệ!

Cả Campuchia trong trong 3 năm 8 tháng 20 ngày dưới chế độ này là một cánh đồng chết khổng lồ. Dưới chế độ này, Angkar áo đen là ông chủ còn người dân là nô lệ. Sau khi chiếm được thủ đô Phnôm Pênh vào tháng tư năm 1975, Pol Pot đã ngày lập tức lùa dân ra khỏi thành phố, đến các công trường lao động khổ sai ở các vùng nông thôn. Trong nhà tù không lồ này, người dân có thể bị xử tử vì bị nghi là phản động, gián điệp hay đơn giản bị cuốc bổ vào đầu chỉ vì bị coi là lười lao động hay bị bỏ đói phải ăn cắp cả cơm nguội ở nhà ăn tập thể, hoặc chết vì không có thuốc men chạy chữa khi khi ốm đau…

Khi người dân Campuchia đang rên xiết, tuyệt vọng trong địa ngục trần gian của những tên đồ tể Angkar thì họ đã được bộ đội Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam đến cứu khi cái chết đã cận kề vào ngày 1/1/1979.

Người dân Campuchia lúc đó, kể cả tôi và gia đình, coi bộ đội Mặt trận và quân tình nguyện Việt Nam giống như những thiên thần đến cứu giúp những sinh linh vô tội đang nằm dưới lưỡi hái tử thần Angkar. Ngày 7/1/1979, là ngày sinh thứ hai của tôi, những người còn lại trong gia đình tôi, của nhân dân, dân tộc Campuchia. Chiến thắng 7/1/1979 đã khép lại trang sử đen tối, đau thương của Campuchia, mở ra trang mới trong lịch sử Campuchia. Nếu không có ngày 7/1/1979 thì chúng tôi, nhân dân Campuchia không có tất cả những thành quả của ngày hôm nay với một Vương quốc Campuchia đang ngày càng ổn định, phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế.

Quân tình nguyện Việt Nam đến Campuchia là đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, theo nguyện vọng khẩn thiết của người dân Campuchia. Quân tình nguyện Việt Nam đã giúp Campuchia giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, đem lại hồi sinh cho dân tộc chúng tôi. Không chỉ giúp lật đổ chế độ Pol Pot, mà với sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia cho đến năm 1988, còn giúp ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại, giúp chúng tôi  khắc phục khó khăn, khôi phục và xây dựng lại đất nước từ đống tro tàn.

Nhân dân Campuchia, tự đáy lòng mình, luôn khắc ghi sự hy sinh cao cả của quân tình nguyện Việt Nam, của những người mẹ, người vợ, người cha, anh em… Việt Nam đã cho người ruột thịt của mình đến cứu giúp những người anh em Campuchia trong cơn hoạn nạn.  Đó là một sự thật lịch sử không ai có thể xuyên tạc được. Chính nghĩa đó ngày càng sáng ngời khi những kẻ đầu sỏ của chế độ Campuchia Dân chủ đã bị đưa ra Tòa án ở Phnôm Pênh, do Liên hợp quốc hỗ trợ,  xét xử về tội diệt chủng, chống lại loài người… Dù vẫn còn ai đó không thích, thậm chí phủ nhận ngày 7/1979 là ngày hồi sinh của nhân dân, dân tộc Campuchia. Nhưng sự thực lịch sử, chân lý sẽ ngày càng sáng tỏ, rạng ngời. Campuchia đang có hòa hợp dân tộc, chúng tôi không coi ai là kẻ thù, ngoại trừ bọ đầu sỏ diệt chủng.  

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Nam – Campuchia trong quá khứ, hiện tại và tương lai?

Nhà báo Khiev Kola: Campuchia và Việt Nam là hai nước láng giềng gần gủi, về địa lý, văn hóa, phong tục tập quán … nên đã có quan hệ hữu nghị truyền thống, nhân dân hai nước cùng uống chung dòng nước sông Mekong đã gắn bó, chia ngọt sẻ bùi với nhau trong chiều dài lịch sử. Trong cuộc đấu tranh giải phóng chống thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc trước đây, hai bên luôn ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau. Cố Quốc vương Norodom Sihanouk của chúng tôi và Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam đã lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam vào năm 1967, đến nay đã hơn 45 năm.

Hiện nay, quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam đang phát triển bền vững theo phương châm lãnh đạo hai bên đã thông qua là “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Tôi cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa, hợp tác, phát triển kinh tế là điều hết sức quan trọng để nâng tầm hợp tác chính trị. Sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước đang tăng cao trong những năm qua là một điều rất đáng ghi nhận. Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của Thủ tướng Hun Sen và Đoàn cấp cao Chính phủ Hoàng gia, hai bên đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác song phương, trong đó hai bên đồng ý tăng thương mại hai chiều lên 5 USD trong vòng 5 năm tới. Tôi tin rằng với quan hệ hai nước hiện nay, những ký kết như vậy sẽ được thực hiện.  

Hai bên cũng đã giúp đỡ nhau trong hội nhập khu vực và quốc tế. Campuchia và Việt Nam hiện nay đều cùng là thành viên ASEAN, Liên hợp quốc cũng như nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế khác. Theo tôi hiểu, Hiến pháp của Việt Nam cũng như của Vương quốc có điều khoản quy định không để bất kỳ thế lực nào dùng lãnh thổ của nước mình để chống lại nước kia. Do đó, hai bên có thể hoàn toàn tin cậy lẫn nhau việc bảo vệ an toàn, an ninh cho đất nước. 


Phóng viên: Ông có thể cho biết đôi nét về bản thân mình đến độc giả Việt Nam?

Nhà báo Khiev Kola: Tôi sinh ở tỉnh Pray Veng, giáp tỉnh Đồng Tháp của Việt Nam, và lớn lên trong một gia đình trí thức ở Phnôm Pênh. Dưới thời Pol Pot, cũng như bao gia đình khác, gia đình tôi ly tán, mỗi người một nơi, riêng tôi bị đưa đến lao động khổ sai ở một vùng nông thôn hẻo lánh thuộc tỉnh Battambang. Sau giải phóng phải mấy năm sau chúng tôi mới được gặp lại nhau, nhưng một người em của tôi cùng nhiều họ hàng khác đã phải chịu chung số phận như hơn 2 triệu người khác bị giết hại dưới thời Pol Pot.

Sau giải phóng ngày 7/1/1979, tôi trở về Phnôm Pênh, đi học trở lại và sau đó làm việc tại hãng thông tấn nhà nước SPK (nay là AKP) và trở thành nhà báo chuyên nghiệp, với sự giúp đỡ, đào tạo đầu tiên của các chuyên gia TTXVN và sau này là các khóa đào tạo ở một số nước khác như Thái Lan, Mỹ… Ngoài AKP, tôi còn làm việc cho nhiều cơ quan báo chí lớn của Campchia như Nhật báo Tia sáng Campuchia, Báo ảnh Campuchia…  và quốc tế như Đài BBC, Đài VOA, Truyền hình CNN và nay là bình luận viên chính trị của Đài truyền hình CTN, được coi là hãng truyền hình lớn nhất ở Campuchia hiện nay.

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã đi đến khoảng 30 quốc gia trên thế giới. Trong đó, tôi đã đến Việt Nam 6 lần với tư cách là nhà báo. Sau mỗi chuyến thăm Việt Nam tôi đều có các bài viết và ảnh đăng trên các tờ báo lớn ở Campuchia. Các bài viết của tôi về Việt Nam tập trung vào tiến trình đổi mới mà tôi được chứng kiến tận mắt khi đến Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… Đổi mới ở Việt Nam thật ấn tượng! Xin chúc các bạn Việt Nam thành công trong công cuộc đổi mới.

Nhân dịp này tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến quân tình nguyện Việt Nam đã cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, trong đó có cá nhân tôi.

Xin cảm ơn ông!


Trần Chí Hùng



Nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ công ơn của quân tình nguyện Việt Nam
Nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ công ơn của quân tình nguyện Việt Nam

Nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ công ơn của quân tình nguyện Việt Nam - Đó là câu nói được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuộc tiếp xúc với các lưu học sinh Campuchia đang học tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình về tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN