Đại sứ Việt Nam tại Italy Cao Chính Thiện trả lời phỏng vấn. Ảnh: Đức Hòa-Phóng viên TTXVN tại Italy |
Đánh giá về quan hệ Việt Nam-Italy trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đầu tư, giáo dục và văn hóa – xã hội trong thời gian qua, đặc biệt kể từ khi hai bên thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2013, Đại sứ Cao Chính Thiện cho rằng quan hệ Việt Nam – Italy đang trải qua thời kỳ sôi động nhất, đặc biệt từ khi hai nước thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2013. Điều đó được thể hiện qua mối quan hệ chính trị tốt đẹp với nhiều chuyến thăm cấp cao.
Quan hệ kinh tế - thương mại, giáo dục và đào tạo trên đà phát triển mạnh mẽ và hợp tác giữa hai nước đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống và tình cảm của hai bên dành cho nhau luôn được duy trì và củng cố theo thời gian. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á mà cả Tổng thống và Thủ tướng Italy đương nhiệm đã đến thăm khi mới lên nhậm chức. Trong những năm qua, Tổng Bí thư Đảng ta, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cũng đều đến Italy thăm chính thức hoặc dự hội nghị cấp cao.
Về quan hệ kinh tế, kim ngạch thương mại Việt Nam – Italy đã tăng gấp hai lần kể từ năm 2013, đạt 4,3 tỷ USD trong năm 2015. Từ vị trí thứ tư, Việt Nam đã trở thành bạn hàng thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN, vượt qua nhiều nước có sức mạnh kinh tế như Singapore, Malaysia hay Indonesia. Lĩnh vực đầu tư đã ghi nhận những dự án đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn của Italy như Piaggio, Ariston, Bonfiglioli... Mặc dù quy mô các dự án này có thể còn hạn chế nếu so sánh với các quốc gia khác, nhưng lại hứa hẹn sẽ mở đường cho các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp Italy.
Trong lĩnh vực hợp tác giáo dục – văn hoá, hai bên đã ký gần 100 thoả thuận hợp tác giữa các trường đại học và cơ sở đào tạo. Mỗi năm có gần một trăm sinh viên Việt Nam tới Italy để học tập và ngày càng có nhiều sinh viên Italy sang Việt Nam theo các chương trình trao đổi sinh viên, hay thậm chí cả tự túc để sang nước ta học văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam. Việt Nam ngày càng được người dân Italy biết đến, không chỉ vì hai cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng đất nước, mà còn vì các danh lam thắng cảnh, con người thân thiện, nền văn hoá và ẩm thực phong phú. Chính vì thế, lượng du khách Italy đến Việt Nam cũng có những bước tiến vượt bậc trong thời gian qua.
Đại sứ Cao Chính Thiện nhấn mạnh chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang được Italy rất mong đợi, diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực với các hình thức đa dạng. Các lãnh đạo Italy đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương, thể hiện cam kết của Italy, cùng với Việt Nam, trong đẩy mạnh quan hệ giữa hai nước. Phía bạn trân trọng việc Chủ tịch nước nhận lời mời thăm Italy và đặc biệt hơn nữa đã chọn Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu để đến thăm kể từ khi tuyên thệ nhậm chức.
Song song với quyết tâm và ý nghĩa chính trị của chuyến thăm, đoàn Việt Nam đến thăm Italy lần này còn có nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành chủ chốt mà sẽ cùng với các nhà lãnh đạo Italy trao đổi hợp tác trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế cho đến khoa học - công nghệ, giao thông vận tải và cả hợp tác địa phương, hợp tác doanh nghiệp. Dự kiến, hai bên sẽ ký nhiều văn kiện hợp tác quan trọng như Kế hoạch Hành động triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược, Chương trình Hợp tác về Khoa học và Công nghệ, Thoả thuận Hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải, Biên bản cuộc họp lần III Uỷ ban Hỗn hợp về Kinh tế - Thương mại, hay Thoả thuận Hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học...
Bên cạnh đó, sự hiện diện của hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng Chủ tịch nước và sự kiện Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Italy với sự tham dự của gần 100 doanh nghiệp Italy là hình thức hợp tác rất thiết thực, góp phần cụ thể hoá các hợp tác song phương. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp Italy những tiềm năng trao đổi thương mại, các dự án đầu tư ở nước ta và là cơ hội để phía ta học hỏi từ một nước công nghiệp tiên tiến thuộc nhóm G7 như Italy, đặc biệt trong các lĩnh vực phía bạn có thế mạnh như công nghệ cao, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo mà hiện chúng ta đang có nhu cầu tiếp cận.
Về các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Italy trong thời gian tới, Đại sứ Cao Chính Thiện cho rằng quan hệ chính trị - ngoại giao luôn tiên phong và mở đường cho các lĩnh vực khác, trong đó có hợp tác kinh tế, thương mại. Chính vì thế, có lẽ nên nhìn nhận rằng quan hệ kinh tế - thương mại hiện chưa xứng tầm với tiềm năng của hai nước và mong muốn của hai bên. Để khắc phục điều này, cần phải xác định đâu là nguyên nhân hay rào cản đang kìm hãm các hợp tác kinh tế giữa hai nước. Các yếu tố đó là khoảng cách địa lý, sự hiểu biết lẫn nhau và rào cản về ngôn ngữ.
Việt Nam và Italy đã và đang thiết lập các cơ chế hợp tác như uỷ ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế - thương mại cũng như các thoả thuận bảo hộ đầu tư, hiệp định thương mại tự do. Đây là lúc hai nước cần triển khai mạnh mẽ các cơ chế và thoả thuận đó, song song với việc tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp của hai bên gặp gỡ, tìm hiểu các cơ hội hợp tác chung.
Trong thời gian tới, điều cần làm là loại bỏ rào cản về địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại với việc thiết lập đường bay thẳng giữa Việt Nam và Italy. Hiện tại, kết nối hàng không giữa hai nước vẫn phải quá cảnh qua nước thứ ba. Điều này gây khó khăn và làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp và người dân. Tiếp đó, cần tiếp tục đẩy mạnh giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá Italy ở Việt Nam và ngược lại. Cần đào tạo những con người thông thạo ngôn ngữ và hiểu biết văn hoá hai nước để họ trở thành những cầu nối quan trọng trong thúc đẩy quan hệ hai nước nói chung và quan hệ hợp tác kinh tế nói riêng. Cuối cùng, hợp tác địa phương giữa hai nước cũng cần có những bước phát triển mới và đây cũng là những phương hướng mà Đại sứ quán Việt Nam tại Italy dự kiến thúc đẩy trong thời gian tới.
Đánh giá về tình hình người Việt ở Italy hiện nay, đặc biệt là các sinh viên Việt Nam đang học tập tại Italy, Đại sứ Cao Chính Thiện cho biết hiện có khoảng 5 nghìn người Việt đang sinh sống và học tập tại Italy. Nhìn chung, cộng đồng người Việt tại Italy tuy có tiềm lực kinh tế xã hội không mạnh như cộng đồng ở các nước Pháp, Đức hay CH Séc nhưng cũng đã hòa nhập tốt vào xã hội sở tại. Xu thế hướng về quê hương ngày càng tăng.
Tuy nhiên, trình độ tiếng Việt của kiều bào ta ở Italy vẫn còn hạn chế. Do số lượng ít và sống tản mác ở nhiều vùng khác nhau nên các hội đoàn người Việt tại Italy còn chưa mạnh. Tuy nhiên, cũng đã có một số chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Hội Doanh nhân người Việt tại Italy và Hội tương trợ Italy – Việt thời gian gần đây đã tích cực tham gia các hoạt động do Nhà nước, Chính phủ ta phát động và cũng chủ động tự tổ chức một số hoạt động hướng về quê hương, đất nước. Đặc biệt, ngày càng có nhiều Việt kiều về nước làm ăn và sinh sống, cũng như trở thành đại diện của các nhóm cộng đồng người Việt tại Italy, tham gia hoặc tự tổ chức các hoạt động quảng bá về kinh tế - thương mại cho Việt Nam tại đây.
Hiện có khoảng 350 sinh viên và du học sinh Việt Nam đang học tập tại Italy, trong đó hơn một nửa là theo chương trình đào tạo thạc sĩ các ngành, khoảng 20 người theo học tiến sĩ, số còn lại là sinh viên đại học và các khóa ngôn ngữ ngắn hạn. Cộng đồng sinh viên được tổ chức tốt, có tổ chức Đảng, có Hội sinh viên hoạt động năng nổ, trở thành cánh tay nối dài quan trọng của nước ta cũng như của Đại sứ quán ở sở tại, và có nhiều hoạt động thiết thực góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam tới bạn bè Italy.