“Công cuộc Đổi mới của Việt Nam với nền kinh tế thị trường và các chính sách mở cửa đã làm thay đổi tình hình Việt Nam từ thế bị bao vây, cô lập trong một thời gian dài, chuyển đổi sang nền kinh tế mở cửa, giao lưu với thế giới”, nhà báo Hantao, bút danh Eileen, của Nhật báo Châu Á - Thái Bình Dương (APD) chia sẻ với phóng viên TTXVN.
Theo phóng viên Hantao, mức sống của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong quá trình Đổi mới là nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Quyết định đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc đưa Việt Nam mở cửa với thế giới sẽ góp phần vào sự thịnh vượng của nền kinh tế và nâng cao vị thế quốc tế đất nước”, bà Hantao khẳng định.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Stefan Kühner của Báo Đảng Cộng sản Đức có tên “Unsere Zeit”, bày tỏ “kinh ngạc với những gì Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam 35 năm qua trong việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân”.
Đề cập tới vị thế của Việt Nam trên thế giới, ông Kühner đánh giá: “Việt Nam đang tham gia tích cực vào hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm tìm giải pháp hòa bình cho các vấn đề quốc tế. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã chứng minh sự gắn kết của các quốc gia và các dân tộc quan trọng như thế nào”, ông nói.
Ông Kühner nhận định sự gia tăng uy tín và vị thế của Việt Nam có liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế của đất nước nhờ công cuộc Đổi mới mang lại, đồng thời cho rằng đất nước cần tiếp tục cải cách và mở cửa sâu rộng để tiếp tục gặt hái thành công.
Theo phóng viên Dipanjan Roy Chaudhury, Thời báo Kinh tế Ấn Độ, Việt Nam không chỉ là một nền kinh tế đang phát triển của khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ngày nay, Việt Nam đóng vai trò quan trọng ở Đông Nam Á.
“Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII một lần nữa minh chứng vai trò vô cùng quan trọng của Đảng trong việc duy trì ổn định đất nước. Một Việt Nam vững mạnh có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định ở khu vực sông Mekong. Một Việt Nam vững mạnh cũng rất quan trọng đối với sự ổn định ở Biển Đông”, ông nhấn mạnh.
Ông Dipanjan Roy Chaudhury cũng nhấn mạnh thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 là một trong những thành tựu lớn nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong năm 2020.
Đề cập đến quá trình Đổi mới của Việt Nam, Hussain Janjua, chuyên gia truyền thông người Ấn Độ cho biết, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt, đặc biệt là về kinh tế. Ví dụ, những năm đầu Đổi mới, GDP của Việt Nam chỉ ở mức 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ đạt 250 USD. Năm 2020, con số này lên tới 343 tỷ USD và 3.521 USD, lần lượt đứng thứ 4 và thứ 6 trong ASEAN.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), có 16 đối tác chiến lược và 11 đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, Hussain Janjua dẫn chứng.
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn đạt 2,91%, trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Về phương diện ngoại giao, năm ngoái Việt Nam đã đảm nhận thành công các vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA-41), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhờ đó nâng cao uy tín và vị thế toàn cầu của mình, chuyên gia truyền thông Ấn Độ cho biết.