“Chúng ta có hệ thống kiểm toán, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra hàng nghìn vụ mỗi năm. Lực lượng công an các tỉnh, thành phố đều có bộ phận điều tra về kinh tế và nhiều cấp thanh tra nữa. Nhưng kết quả số vụ tham nhũng được phát hiện rất ít, có tỉnh báo cáo cả năm không có vụ tham nhũng nào”.
Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa -Vũng Tàu) trong buổi thảo luận tại tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, ngày 29/10.
Chưa đủ sức răn đe
Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định rằng, đạo đức của một bộ phận cán bộ trong bộ máy công quyền có dấu hiệu đi xuống, có sự bao che của một số cán bộ chính quyền, có tiêu cực ngay trong các cơ quan tư pháp.
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Doãn Tấn – TTXVN |
Ví dụ cho nhận định này, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình) cho rằng, mặc dù tăng mức xử phạt vi phạm giao thông nhưng tình hình tai nạn vẫn hầu như không thay đổi. Bên cạnh đó, còn xảy ra việc “chung chia” của các lực lượng chức năng. Khi vi phạm luật giao thông, có tình trạng người vi phạm “cưa” luôn tiền phạt cho lực lượng chức năng, làm mất lòng tin của người dân vào đội ngũ thực thi pháp luật.
Hơn nữa, “nhiều tỉnh, người ta đem cả tàu to như hạm đội để khai thác cát, đê điều sạt lở nhưng lực lượng chức năng lại bảo không bắt được vi phạm. Như vậy, có phải là bảo kê, tham nhũng không? Trong khi đó, nhiều nơi nhân dân dù không có tấc sắt trong tay nhưng vẫn đào được hàng tấn chất thải của các đơn vị vi phạm, ở Hải Dương bà con làm lều canh doanh nghiệp gây ô nhiễm, ở Quảng Bình ngăn chặn khai thác cát….”, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa -Vũng Tàu) phát biểu.
“Các vụ án tham nhũng được phát hiện trong thời gian qua chủ yếu do người dân, báo chí. Các cơ quan điều tra khám phá được rất ít. Nhưng khi phát hiện thì xử lý còn chậm và nhiều vụ chưa kiên quyết. Một số vụ án tham nhũng lớn làm không kiên quyết, chỉ các vụ nhỏ thì được giải quyết nhanh”, đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) nhận xét.
Nhiều đại biểu cùng chung quan điểm cho rằng, việc xử lý các vụ án tham nhũng còn chậm, chưa nghiêm làm mất lòng tin của người dân vào các cơ quan thi hành pháp luật. Theo đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), có tỉnh có hai vụ án tham nhũng nhưng không xử lý được, trả đi trả lại hồ sơ nhiều lần. Các tỉnh khác nhau thì cách xử án cũng khác nhau. “Nhiều địa phương thường vận dụng dưới khung hình phạt để áp dụng xử lý tham nhũng, ví dụ có nơi có 10 bị cáo tham nhũng thì tất cả đều được áp dưới khung hình phạt, đáng bị xử từ 3-12 năm nhưng chỉ áp dụng 1-2 năm”, đại biểu Phạm Xuân Thường bức xúc.
Trách nhiệm người đứng đầu
Để hạn chế tình trạng tham nhũng, theo các đại biểu Quốc hội cần có chế tài xử lý nghiêm, trước hết là trong bộ máy công quyền, để tạo niềm tin cho dân.
Đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm những người đứng đầu các nơi xảy ra tiêu cực. Bản án công khai, mang tính răn đe.
Thực tế cho thấy, khi chính quyền vào cuộc thì tình hình chuyển biến ngay. “Đặc biệt là giao cho người đứng đầu, ví dụ những khu vực điểm nóng về an ninh, trật tự, bảo kê là: Quất Lâm (Nam Định), Đồ Sơn (Hải Phòng)… tình hình an ninh trật tự có chuyển biến khi giao trách nhiệm trực tiếp cho các cấp lãnh đạo. Chủ tịch phường, trưởng công an ở đó phải có trách nhiệm. Phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, có quy chế quy trách nhiệm”, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị.
Theo đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), chúng ta xử lý rất nghiêm các loại tội phạm khác nhưng án tham nhũng lại cho án treo, cải tạo không giam sẽ giữ sẽ khiến người dân không tin. Do vậy, bản án xét xử tham nhũng phải đúng người, đúng tội, công khai sẽ góp phần đảm bảo tính nghiêm minh và răn đe. Ngoài ra, đại biểu kiến nghị, cần có cơ chế giám sát việc xử lý hành chính của các lực lượng chức năng, ví dụ như: bộ đội, biên phòng, thuế, công an, hải quan… khi phát hiện vụ việc lại không xử lý hình sự mà lại xử lý hành chính.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị thành lập một Ủy ban chống tham nhũng độc lập. Và việc quản lý cán bộ Nhà nước phải dựa trên thu nhập, tài sản.
Phi Sơn