Nhiều tàu thuyền đã được kêu gọi vào bờ và neo đậu an toàn tại khu vực bờ biển Cửa Hội, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) vào chiều 13/9/2017. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Đại diện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, đến sáng sớm 14/9 tại Nghệ An có hơn 900 phương tiện hoạt động tại các vùng ven biển trong tỉnh và trên 220 phương tiện đang hoạt động ngoài tỉnh và vùng đánh cá chung.
Trong ngày 14/9 tỉnh Nghệ An quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung các giải pháp để kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn và hướng dẫn nông dân và các hộ nuôi trồng thủy sản thu hoạch nhanh các diện tích lúa, hoa màu, thủy sản tránh để thiệt hại xảy ra. Đến thời điểm này tại Nghệ An, nông dân đã thu hoạch được 9.474/36.228 ha lúa mùa, đạt 26,15%.
Trước đó, tại Nghệ An đã xảy ra một số vụ tai nạn trên biển. Cụ thể, lúc 4 giờ ngày 13/9 tàu NA 2506 TS đã đâm vào đá ngầm trên biển, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã huy động lực lượng, phương tiện thực hiện công tác cứu nạn; đến 10 giờ cùng ngày đưa được 2 thuyền viên và tài sản trên tàu bị nạn vào bờ an toàn, riêng tàu chưa đưa được vào bờ.
Bên cạnh đó, vào lúc 6 giờ ngày 13/9, tàu NA 3229 TS do ông Hồ Văn Thái, trú tại xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu làm thuyền trưởng cùng 6 thuyền viên khác khi đang chuẩn bị vào bờ tránh trú bão thì dây tời trên tàu bị đứt và đập vào đầu anh Nguyễn Văn Phước là thuyền viên trên tàu làm anh Phước tử vong tại chỗ; đến 18 giờ ngày 13/9 các thuyền viên khác trên tàu đã đưa được tàu vào bờ.
*Tại Thừa Thiên - Huế, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết, hơn 2.000 tàu, thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển và vùng đầm phá ở Thừa Thiên - Huế đã được kêu gọi vào bờ và sắp xếp trú ẩn tại các địa điểm an toàn; công việc này kết thúc vào trước 12h ngày 14/9 để chủ động phòng chống bão số 10. Riêng xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) có gần 300 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 57 tàu đánh bắt xa bờ đã tập kết vào bờ an toàn. Âu thuyền Phú Hải sắp xếp cho hơn 300 tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú bão số 10.
Các địa phương trong vùng tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, quản lý chặt chẽ tàu thuyền và tổ chức neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn, nhất là số ghe thuyền vùng bãi ngang hoạt động trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; tổ chức trực ban, thường xuyên kiểm tra các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện.
Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý kịp thời khi có sự cố; thường xuyên báo cáo thông tin thủy văn và số liệu vận hành điều tiết nước về Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; tổ chức kiểm tra kho tàng, nhà xưởng, di tích văn hoá..., giằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lưới điện, thông tin liên lạc.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu thi công có phương án bảo vệ các công trình xây dựng; đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thiết bị vật tư thi công và các công trình hạ tầng gần khu vực công trình.
Các địa phương hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với hoàn lưu bão số 10 có thể gây mưa lũ chia cắt dài ngày; chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở; triển khai ngay việc di dời dân khi có lệnh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Cùng với đó, tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn, nghiêm cấm người và phương tiện giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm. Lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an và các ngành, các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện trực tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống...